Nâng cao hiệu quả sử dụng công trình nước sạch nông thôn
Trước những yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý các công trình nước sạch nông thôn, UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố và các sở, ngành tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng bền vững công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung.
Theo Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, sau nhiều năm đầu tư phát triển, đến nay, toàn tỉnh có 360 công trình cấp nước sạch nông thôn. Việc đầu tư xây dựng các công trình góp phần đáp ứng yêu cầu nước sạch cho người dân nông thôn.
|
Trong việc quản lý các công trình, các đơn vị sự nghiệp (Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Trung tâm Dich vụ công cộng huyện Đăk Hà và Trung tâm Dịch vụ công cộng huyện Kon Plông) quản lý 4 công trình; còn lại UBND các xã, thị trấn quản lý 356 công trình.
Ở các công trình cấp nước do UBND các xã, thị trấn quản lý đa số là hệ thống tự chảy, có công suất nhỏ. Khi được bàn giao quản lý, UBND các xã lại tiếp tục giao về cho các thôn, làng quản lý và vận hành.
Theo đánh giá, ở các công trình do các đơn vị sự nghiệp quản lý đang vận hành tốt, nhưng nhiều công trình UBND các xã, thị trấn giao cho các thôn, làng quản lý chưa phát huy hiệu quả. Thống kê cho thấy, toàn tỉnh có 59 công trình cấp nước hoạt động kém hiệu quả và 81 công trình cấp nước hoạt động không hiệu quả.
Nguyên nhân tồn tại, do việc quản lý đầu tư các công trình cấp nước ở các thôn làng chưa chặt chẽ, rõ ràng; một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý, vận hành và bảo dưỡng các công trình cấp nước.
Một số cán bộ vận hành công trình là thôn trưởng hoặc thôn phó chưa qua đào tạo quản lý, vận hành nên khi công trình gặp sự cố thường không có khả năng khắc phục, công trình xuống cấp.
Việc đầu tư xây dựng công trình chưa đồng bộ, phần lớn công trình chỉ đầu tư từ đầu mối tới trục chính cấp nước tập trung tại các bể, bồn chứa và vòi chung, không có kinh phí xây dựng mạng lưới cấp nước tới từng hộ gia đình nên khó thu tiền nước sử dụng của các hộ gia đình.
Điều đáng bàn nữa là một số hộ dân chưa có ý thức bảo vệ công trình, còn có tư tưởng ỷ lại nhà nước; chưa có thói quen trả tiền dịch vụ nước. Vì vậy, tổ quản lý vận hành công trình nước ở nhiều thôn, làng không có kinh phí để hoạt động và sửa chữa công trình.
Bên cạnh đó, một số công trình cấp nước sau thời gian đưa vào hoạt động bị cạn kiệt nguồn nước đầu nguồn; nguồn vốn bố trí để duy tu, sửa chữa và quản lý, vận hành các công trình cấp nước tập trung hàng năm thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu...
|
Trước yêu cầu đặt ra, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh ban hành văn chỉ đạo công tác quản lý, vận hành công trình cấp nước ở địa phương.
Tại Chỉ thị 07/CT-UBND ngày 7/9/2017 của UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng bền vững công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố rà soát, đánh giá và đề xuất cấp thẩm quyền cho thanh lý ngay các công trình cấp nước bị hư hỏng, không còn sử dụng được hoặc việc sửa chữa không có hiệu quả.
Chỉ thị cũng yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng ban, UBND các xã, các đơn vị và cá nhân có liên quan kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm và đề xuất các giải pháp khắc phục một số công trình cấp nước hoạt động không hiệu quả, xuống cấp, dừng hoạt động; xây dựng quy trình vận hành, thành lập tổ quản lý, tổ tự quản công trình để gắn trách nhiệm tại các công trình chưa có quy trình, tổ quản lý, tổ vận hành công trình; rà soát, thống kê thực trạng năng lực cán bộ quản lý, vận hành các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn để làm cơ sở xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật khai thác, quản lý, vận hành công trình...
UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế quản lý, khai thác công trình cấp nước nông thôn tập trung phù hợp với quy mô, tính chất của từng loại công trình trên địa bàn tỉnh; cơ chế, quy trình, thủ tục cấp bù giá nước sạch cho phù hợp với thực tế của địa phương...
Đào Nguyên