TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP:
Nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững
Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, một vấn đề quan trọng được tỉnh tập trung chỉ đạo là giải quyết diện tích đất chồng lấn, lấn chiếm nằm trong lâm phần của các chủ rừng. Trước mắt, tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Tu Mơ Rông và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ngọc Hồi, sau đó đánh giá, rút kinh nghiệm và triển khai các địa bàn khác.
Thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020; Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp xây dựng và ban hành Chương trình hành động thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, đồng thời tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả cây trồng có lợi thế và sản xuất các sản phẩm chủ lực.
|
Theo UBND tỉnh, tính đến thời điểm này, trên lĩnh vực nông nghiệp, toàn tỉnh phát triển được 75.548ha cao su, 13.961ha cà phê. Các loại rau hoa xứ lạnh có giá trị kinh tế cao được khảo nghiệm cho thấy đều phù hợp với điều kiện tự nhiên ở huyện Kon Plông. Việc khảo nghiệm và thí điểm mô hình rau hoa xứ lạnh thành công đã mở ra hướng đi cho sản phẩm hàng hóa này ở địa phương. Hiện nay, có một số dự án của tổ chức, cá nhân đang triển khai tại huyện Kon Plông theo quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt với diện tích gần 30ha.
Trong sản xuất, ngành Nông nghiệp chú trọng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn thâm canh cao su, cà phê, lúa, bắp, rau, hoa, nuôi cá… Thông qua việc thực hiện các mô hình khuyến nông đã góp phần thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu của dân, từng bước đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu kinh tế.
Trên lĩnh vực lâm nghiệp, tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Tính đến nay, tỉnh đã giao khoán trên 150.000ha rừng cho người dân và các đơn vị quản lý bảo vệ; quy hoạch trồng rừng nguyên liệu Nhà máy bột giấy và giấy Tân Mai-Kon Tum trên 74.000ha; phát triển được 177ha sâm Ngọc Linh dưới tán rừng (7,84ha thuộc Dự án bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh có sự tham gia của cộng đồng, 0,4ha do dân trồng và 169ha do doanh nghiệp trồng). Để phát triển sâm Ngọc Linh thành sản phẩm hàng hóa chủ lực mang thương hiệu quốc gia, tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh, đồng thời nghiên cứu phương thức và giá cho thuê rừng để thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển sâm.
Trên lĩnh vực thủy sản, hiện nay, trên địa bàn huyện Kon Plông có 2 doanh nghiệp nuôi cá nước lạnh là Công ty Hoàng Ngư nuôi khoảng 6.000 con cá tầm, Công ty cổ phần số 1 Kon Tum nuôi 52 con cá tầm bố mẹ và 120 con cá tầm thương phẩm. Việc phát triển thủy sản theo hướng bền vững ở các lòng hồ thủy điện với diện tích nuôi khoảng 800ha.
|
Xác định những vấn đề đặt ra trong tái cơ cấu kinh tế, trong thời gian đến, trên lĩnh vực nông nghiệp tỉnh đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng có lợi thế và có giá trị kinh tế cao (cao su, cà phê, rau hoa xứ lạnh, sâm Ngọc Linh) gắn chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; xây dựng mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn sinh học và đảm bảo vệ sinh môi trường theo phương thức chăn nuôi tập trung, trang trại, công nghiệp gắn với chế biến theo hình thức khép kín.
Trên lĩnh vực lâm nghiệp, rà soát lại diện tích đất sử dụng không hiệu quả của các công ty, lâm trường để bàn giao cho các huyện, thành phố quản lý và giao cho dân sản xuất; rà soát quy hoạch lại diện tích 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng giai đoạn 2014-2020; quy hoạch lại mạng lưới chế biến gỗ và lâm sản; thực hiện tốt Phương án chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng; sắp xếp lại các công ty lâm nghiệp, lâm trường.
Trên lĩnh vực thủy sản, ban hành cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nuôi cá trên các hồ chứa công trình thủy điện, thủy lợi và nuôi cá nước lạnh.
Trên lĩnh vực nông thôn, đầu tư hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với việc xúc tiến thương mại để hỗ trợ khôi phục, phát triển ngành nghề truyền thống; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất ở các làng nghề; hiện đại hóa công nghệ xử lý chất thải, kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề...
Văn Nhiên