Mở lối thoát nghèo cho người dân vùng biên giới Ngọc Hồi
Là huyện nằm ở ngã ba biên giới tiếp giáp với hai nước Lào và Campuhia với gần 60% dân số là đồng bào DTTS, trong những năm qua, huyện Ngọc Hồi là địa phương đi đầu của tỉnh trong việc giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Ông Trần Văn Chí - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi cho biết: Đảng bộ huyện Ngọc Hồi nhiệm kỳ 2015-2020 xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm trong suốt nhiệm kỳ, trong đó trước mắt tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, kinh tế, văn hóa - xã hội cho người dân đặc biệt là vùng đồng bào DTTS.
Để phát triển kinh tế cũng như tạo điều kiện cho bà con nhân dân giảm nghèo bền vững huyện Ngọc Hồi đã tập trung các nguồn lực với hai chương trình mục tiêu quốc gia lớn của Chính phủ đó là: xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
|
Nhờ tập trung mọi nguồn lực cho công tác xóa đói giảm nghèo nên huyện Ngọc Hồi đã giảm được tỷ lệ hộ nghèo từ 15,74% năm 2010 xuống còn 5,7% năm 2017. Đến nay trên địa bàn Ngọc Hồi đã trồng được gần 8.000ha cao su; hơn 1.200ha cây cà phê, một số nhà máy chế biến nông sản như nhà máy tinh bột sắn, chế biến mủ cao su, sản xuất cà phê bột được thành lập đảm bảo phần bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho bà con.
Tới thăm các làng đồng bào DTTS vùng sâu vùng xa của huyện Ngọc Hồi như Sa Loong, ĐăkXú, Đăk Dục, Đăk Nông, đời sống của người dân đã có nhiều cải thiện. Đường nhựa, bê tông đã nối về các thôn làng, trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang. Khu vực ngã ba biên giới bị chiến tranh tàn phá nặng nề ngày nào đã trở thành vùng kinh tế năng động với những rừng cao su, cà phê xanh ngút mắt. Rất nhiều hộ gia đình đồng bào DTTS có thu nhập từ 20 đến 30 triệu đồng/ tháng nhờ vào nuôi cá, thu từ vườn cao su, cà phê.
Hiện nay trên địa bàn huyện Ngọc Hồi chỉ còn một xã nằm trong diện đặc biệt khó khăn là xã Đăk Ang. Để khuyến khích người dân xã Đăk Ang phát triển chăn nuôi, UBND huyện Ngọc Hồi vận động các đơn vị doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trên địa bàn tặng một con bò cho các hộ có chăn nuôi bò trên địa bàn. Nhờ vậy phong trào chăn nuôi bò của các hộ đồng bào DTTS nơi đây đã phát triển khá mạnh, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho bà con.
Chủ tịch xã Đăk Ang - A Pháo cho biết: Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước về cây giống như cây bời lời, cà phê, hàng năm huyện, xã đã mở lớp tập huấn cho bà con để trồng trọt theo đúng khoa học, kỹ thuật nên trong hai năm 2016 - 2017 xã Đăk Ang giảm được 25% số hộ nghèo.
Ông Xiêng Thanh Lan ở làng Nông Nội, xã Đăk Nông nói, gia đình ông từ một hộ nghèo nhưng nhờ Nhà nước cho vay vốn, cho cây giống, cho phân bón, hỗ trợ kỹ thuật để bà con trồng cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi... nên chỉ sau hơn bốn năm đã thoát nghèo bền vững. Hiện nay gia đình ông có 5 nhân khẩu, có 3ha cao su, 3 sào lúa nước, 2,5 sào ao cá, mỗi tháng cho thu nhập 30 triệu đồng, trở thành hộ kinh tế khá giả trên địa bàn.
Kinh tế người dân phát triển, nhiều xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện Ngọc Hồi đã vươn lên đạt từ 10 đến 15 tiêu chí nông thôn mới. Tiêu biểu như xã Đăk Nông, từ một xã vùng biên thuần nông với trên 90% đồng bào DTTS nghèo, sau hơn 7 năm thực hiện chuyển đổi cây trồng tập trung đầu tư phát triển các loại cây dài ngày như cao su, cà phê, bời lời, xã Đăk Nông là xã biên giới đầu tiên của tỉnh Kon Tum được công nhận là xã nông thôn mới cuối năm 2016.
ĐINH SỸ TẠO