Mô hình trồng măng tây: Hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở Đăk Hà
Măng tây xanh được coi như một dạng thực phẩm chức năng có hàm lượng dinh dưỡng đạm, protit, vitamin cao, lại có giá trị về dược liệu. Với những ưu việt đó, nên giá trị kinh tế của măng tây xanh vượt trội so với các loại rau khác.
Với tâm nguyện làm ra những sản phẩm sạch, an toàn và có giá trị dinh dưỡng đến tay người tiêu dùng, ông Phạm Thành Đồng, một nông dân trên chục năm gắn bó với nghề trồng rau màu ở tổ dân phố 5, thị trấn Đăk Hà (huyện Đăk Hà) đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng măng tây. Mô hình này bước đầu đã mang lại hiệu quả về kinh tế cũng như góp phần cung cấp thực phẩm sạch cho người dân trên địa bàn.
Trước đây, với diện tích gần 7 sào đất sản xuất, nhiều năm liền, gia đình ông Phạm Thành Đồng chỉ chuyên canh trồng rau màu và cây vụ đông. Công sức bỏ ra nhiều nhưng thu nhập mang lại chẳng bao nhiêu, chưa kể phụ thuộc vào thời vụ, được mùa - mất giá, mất mùa - được giá…
Trăn trở tìm hướng đi mới để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, làm sao để tìm ra được loại cây mang lại thu nhập cao và ổn định về giá cả, sau một thời gian tìm tòi, nghiên cứu, ông Đồng đã quyết định lựa chọn cây măng tây để trồng thử nghiệm trên diện tích của gia đình.
Ông chia sẻ: Trước đây gia đình tôi trồng các loại cây ngắn ngày, giá cả rất bấp bênh, ví dụ như cây bắp cải lúc được giá thì có thể lên tới 10 ngàn đồng/kg, nhưng có lúc xuống giá chỉ còn 2,5 ngàn đồng/kg. Nếu tính ra lợi nhuận thì cây măng tây giá cả ổn định hơn, tiết kiệm được đầu tư và là cây lâu năm nên không phải tái đi tái lại sản xuất.
|
Ban đầu, qua tìm hiểu, ông Đồng đã chủ động tìm nguồn giống măng tây ở Thành phố Hồ Chí Minh và tự tay ươm giống. Tuy nhiên, vì là loại cây mới, kinh nghiệm trồng và chăm sóc chưa có, theo đó còn phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như chất đất, độ ẩm, độ PH… nên phải sau 6-7 lần thất bại, đến cuối năm 2015, ông mới ươm thành công trên 30 gốc măng tây.
Cơ duyên đến với ông khi cũng trong thời điểm này, huyện Đăk Hà triển khai thí điểm mô hình trồng măng tây và lựa chọn hộ tham gia, ông Đồng đã mạnh dạn đứng ra nhận trồng thêm gần 2.000 gốc măng tây theo dự án của huyện hỗ trợ.
Măng tây xanh là sản phẩm rau sạch, nên yêu cầu đặt ra là người trồng phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, nhất là trong chăm sóc chỉ được sử dụng phân chuồng, phân vi sinh bón cho cây và phải có phương án phòng ngừa sâu bệnh.
Đây cũng là lý do khiến ông Đồng đưa ra quyết định táo bạo lựa chọn loại cây hoàn toàn mới mẻ này để trồng thử nghiệm, chỉ với một mong muốn làm ra những sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng.
Măng tây xanh được coi như một dạng thực phẩm chức năng có hàm lượng dinh dưỡng đạm, protit, vitamin cao, lại có giá trị về dược liệu. Với những ưu việt đó, nên giá trị kinh tế của măng tây xanh vượt trội so với các loại rau khác.
Theo giá thị trường ở thời điểm hiện tại, 1kg măng tây có giá 100 nghìn đồng. Vì thời gian đầu mới cho thu hoạch nên với tổng số trên 2.000 gốc măng tây, trung bình một ngày ông Đồng thu hoạch được từ 3-4kg măng. Ưu điểm lớn nhất của măng tây xanh là một lần trồng có thể cho thu hoạch trên 10 năm và thời gian càng lâu thì năng suất càng tăng.
Thời gian tới, ông Đồng có kế hoạch đầu tư mở rộng thêm diện tích trồng măng tây, tuy nhiên khi phát triển thêm diện tích thì năng suất, sản lượng cũng nhiều hơn nên sẽ gặp khó khăn về đầu ra cho sản phẩm.
Vì vậy, mong muốn của ông là được chính quyền địa phương và các ngành chuyên môn hỗ trợ việc xây dựng nhãn hiệu và chứng nhận nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm măng tây xanh.
Có thể nói, thành công bước đầu từ mô hình măng tây xanh của gia đình ông Đồng chính là tiền đề quan trọng để Đăk Hà đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển những mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế, giúp nông dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Thu Hương