Mở đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) vừa yêu cầu Bộ Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường các cấp mở đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại từ nay đến dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường các cấp tăng cường công tác kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, triệt phá các đường dây, ổ nhóm vận chuyển hàng lậu, hoạt động gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, tập trung các mặt hàng thuốc lá, phân bón, mũ bảo hiểm.
|
Đặc biệt, phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nhân dân thấy rõ tác hại buôn lậu và không tiếp tay, vận chuyển, mua bán hàng lậu; nhân rộng mô hình các hộ kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng.
Địa phương, địa bàn nào để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng phức tạp, kéo dài thì lãnh đạo địa phương và lực lượng quản lý thị trường phụ trách địa bàn đó phải chịu trách nhiệm và bị xử lý kỷ luật theo quy định.
|
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát mô hình, tổ chức lực lượng Quản lý thị trường, bố trí cán bộ, công chức có đủ năng lực, phẩm chất; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động và bố trí lực lượng để lực lượng Quản lý thị trường hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao tinh thần trách nhiệm và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ để phòng, chống các biểu hiện tiêu cực.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật nhằm khắc phục những bất cập, sơ hở, góp phần ngăn chặn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tại tỉnh Kon Tum, chỉ tính từ năm 2013 đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra và xử lý hơn 1.840 vụ vi phạm về gian lận thương mại và buôn bán hàng giả, hàng nhái, với tổng số tiền xử phạt trên 4,1 tỷ đồng; tổng giá trị hàng hóa và tang vật vi phạm ước tính gần 25,5 tỷ đồng. Trong đó, vi phạm hàng cấm, hàng nhập lậu chiếm số lượng nhiều nhất với gần 580 vụ; gian lận thương mại 490 vụ; sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng 450 vụ và vi phạm khác 320 vụ.
P.H