Mía đường Kon Tum trước thách thức hội nhập
Trong lúc vụ mía năm 2018 đang vào chính vụ, người trồng mía và Công ty CP Đường Kon Tum đối mặt với bài toán khó trước áp lực canh tranh từ đường nhập khẩu. Hàng loạt nhà máy đường trong cả nước tồn kho khiến người trồng mía Kon Tum lo lắng.
Khó tìm vùng nguyên liệu
Từ đầu vụ mía 2018, giá thu mua nguyên liệu mía của Công ty CP Đường Kon Tum là 830.000 đồng/tấn, giảm 120.000 đồng/tấn so với niên vụ trước. Tuy nhiên, mức giá này cao hơn so với các tỉnh trong khi vực. Giá thu mua mía giảm hơn niên vụ trước khiến nông dân không mấy "mặn mà" với cây mía.
Theo ông Lê Hồng Thái - Tổng Giám đốc Công ty CP Đường Kon Tum, để mở rộng diện tích, công ty có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ khuyến khích đầu tư đối với người trồng mới. Công ty ký hợp đồng thuê cày đất cho dân theo quy trình kỹ thuật; hỗ trợ phân bã bùn cải tạo đất với định mức 20 tấn/ha.
Ngoài ra, đối với diện tích mía từ 5ha liền kề trở lên, người dân có nhu cầu trồng mía và cam kết trồng mía ít nhất là 2 chu kỳ (6 năm), công ty hỗ trợ không hoàn lại tiền khoan giếng để tưới cho vùng nguyên liệu (15 triệu đồng). Cùng đó là chính sách hỗ trợ chi phí vận chuyển, giống, phân bón....
Ngoài ra, với đất gò đồi từ 5ha liền kề cũng được công ty đầu tư hệ thống tưới béc phun công nghệ cao để cây mía phát triển tốt trên đất gò đồi với định mức 50 triệu đồng/ha gồm: hệ thống tưới, đường điện, giếng khoan, công lắp đặt… Việc đầu tư được tính theo lãi suất ngân hàng 7%/năm. Thời gian thu hồi vốn trong 3 năm.
Dù có nhiều chính sách ưu đãi cùng mức giá bảo hiểm, đầu ra ổn định nhưng theo ông Lê Hồng Thái, đến nay đã nhiều lần làm việc với ngành, địa phương nhưng vùng nguyên liệu vẫn không mở rộng nhiều.
“Có cánh đồng lớn chúng tôi sẽ đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao; quy hoạch lại giao thông nội đồng, điện, nước… để nâng hiệu quả đất. Việc đầu tư hiện còn manh mún nên hiệu quả không cao. Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc giống mới nhưng người dân chưa nắm được hết” - ông Thái khẳng định.
Quỹ đất trong dân còn nhưng manh mún, nhỏ lẻ. Công ty dù đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức họp dân làm cánh đồng lớn nhưng hiệu quả còn chưa cao vì nhiều ý kiến. Những cố gắng của doanh nghiệp cũng chỉ mở rộng thêm được ít diện tích ở các huyện Đăk Tô, Tu Mơ Rông trong niên vụ mới này. Theo tính toán, nếu có cánh đồng mẫu lớn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và giống mới thì năng suất bình quân mỗi héc ta từ 140 - 150 tấn/ha, cao gần gấp ba lần so với năng suất hiện có.
|
Tuy nhiên, theo người trồng mía tại Kon Tum, nhà máy dù đã có nhiều chính sách ưu đãi nhưng thực tế quá trình làm có nhiều khác biệt. Cụ thể, công ty thu mua giá 830.000 đồng/tấn với mía 10 chữ đường. Tuy nhiên, chữ đường tính không rõ ràng. Chữ đường chủ yếu do nhà máy quyết định nên giá bán thấp hơn thực tế.
Ngoài ra, trong quá trình thu hoạch, vận chuyển, mía chịu nhiều loại chi phí khác nhau nên ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người trồng mía. Đối với các diện tích trên đồi, hiện người dân trồng cao su hoặc mỳ nhiều nên khó mở rộng diện tích.
Khó cạnh tranh vì lãi vay cao?
Trước áp lực từ đường nhập khẩu, ông Lê Hồng Thái thừa nhận công ty gặp nhiều khó khăn dù khẳng định sản phẩm đủ sức cạnh tranh.
Theo lý giải của ông Thái, hiện áp lực lớn nhất của công ty là từ lãi vay thương mại. “Chúng tôi không cần trợ giá, chỉ cần có chính sách lãi vay” - ông Thái khẳng định.
Hiện lãi vay từ ngân hàng đều được công ty đưa vào giá thành sản phẩm. Ngoài ra, mỗi ký đường còn gánh khoảng 2.000 đồng tiền khấu hao máy móc, thiết bị.
“Đường mình không kém nước ngoài về chất lượng nhưng giá thành cao vì chúng tôi vay vốn ngân hàng thương mại 9,5%/năm. Doanh nghiệp tự bơi, không có chính sách ưu đãi” - ông Thái khẳng định. Các chính sách hỗ trợ đầu tư của nhà máy với vùng nguyên liệu cũng lấy từ lãi vay ngân hàng…
Cũng theo ông Thái, hiện một số chính sách đang áp dụng không phù hợp. Cụ thể, mức đóng bảo hiểm theo tổng mức thu nhập trước chỉ đóng theo lương cơ bản. Với cách tính này, các khoản thưởng trích từ doanh thu của công ty (đã đóng thuế) nay thưởng công nhân lại thêm một lần thuế. Cùng với đó, chính sách hỗ trợ bã bùn (mỗi năm khoảng 400ha) cho dân phải đóng thuế là bất hợp lý vì doanh nghiệp đầu tư, không có thu nhưng bị tính thuế với doanh nghiệp.
Trước áp lực cạnh tranh, ngay từ đầu vụ, Công ty CP Đường Kon Tum đầu tư gần 200 tỷ đồng để nâng cấp công suất nhà máy, nâng chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh khi hội nhập. Ngoài ra, công ty tính tới phương án các sản phẩm sau đường như cồn, phân vi sinh, điện. Tuy nhiên, do lãi suất vay cao, công ty không dám đầu tư.
Để cây mía đứng vững tại ruộng, ngành đường hội nhập được, theo ông Lê Hồng Thái, cần có chính sách hỗ trợ lãi vay cho đầu tư vùng nguyên liệu và thiết bị công nghệ, tạo đầu ra ổn định cho cây mía, giá thu mua được bảo hiểm bởi đây là ngành sử dụng và tạo việc làm cho nhiều lao động. Cùng đó, giảm thuế giá trị gia tăng thì ngành đường có thể đủ sức cạnh tranh khi hội nhập.
Trên địa bàn tỉnh hiện đang duy trì ổn định hơn 1.500ha mía, bằng 1/2 so với diện tích quy hoạch của tỉnh.
Cao Nguyên