Mì rớt giá, nông dân gặp khó
Thời điểm này, các nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh đều đã bước vào vụ sản xuất mới và nông dân bắt đầu thu hoạch mì. Tuy nhiên, hiện tại giá mì trên thị trường vẫn duy trì ở mức khá thấp khiến người trồng mì tiếp tục gặp khó khăn.
Giá mì tươi hiện được các nhà máy thu mua ở mức 1.550 đồng/kg với điều kiện đảm bảo đủ trữ lượng bột 30%, nhưng thực tế mì của nông dân chỉ đạt ở mức 25-27% độ bột nên giá bán chỉ đạt khoảng trên 1.200 đồng /kg.
Giá mì được các thương lái thu mua thấp hơn nhiều, tuỳ vào khu vực gần hay xa mà có mức chênh lệch khác nhau, dao động trong khoảng 900 – 1.000 đồng/kg.
|
So với cuối năm 2016, giá mì đã nhích lên hơn 100 đồng/kg, nhưng mức giá này vẫn chưa giúp cho người trồng mì có lãi.
Anh Nguyễn Văn Dũng (thôn Bình Trung, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy) cho biết: Chỉ tính công thu hoạch, công bốc vác mì từ rẫy đến nơi vận chuyển, chi phí đã chiếm đến hơn 1/2 giá bán. Chưa kể người dân còn phải đầu tư tiền giống, tiền cày đất, phân bón và trông chờ suốt 1 năm trời mới được thu. Với giá bán mì như hiện nay, người trồng mì hầu như không có lãi hoặc nếu có lãi thì cũng không đáng là bao.
Giá mì thấp nên nhiều nông dân tỏ ra đắn đo trong việc thu hoạch. “Trước mắt, tôi chỉ thu hoạch diện tích mì ở khu đất trũng để tránh bị ngập nước, còn mì trồng trên rẫy cứ để từ từ xem tình hình giá cả thế nào rồi mới tính. Nếu giá cứ ở mức thấp như thế này thì tôi sẽ để lại thành mì 2 vụ” – anh Nguyễn Văn Thăng, thôn Phương Quý, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum chia sẻ.
Tuy nhiên, giải pháp thu hoạch cầm chừng như của anh Thăng không phải người nông dân nào cũng làm được. Bởi với nhiều gia đình, đây là loại cây trồng mang lại nguồn thu chính, nếu không thu hoạch thì lấy gì trang trải cuộc sống. Bên cạnh đó, năm trước giá mì cũng ở mức rất thấp, nhiều hộ đã giữ lại không thu hoạch nên vụ này dù muốn dù không cũng phải nhổ vì càng để quá sẽ làm giảm trữ lượng bột, với lại còn phải tái sản xuất.
Có thời điểm, giá mì lên đến 3.000 – 3.500 đồng/kg, nhưng 2 vụ nay thì lại rớt không phanh đẩy nhiều nông dân, nhất là những người nghèo lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn.
Những người trồng mì không quyết định được giá mà chỉ trông chờ giá thu mua của thương lái, nhà máy. Trong khi đó, thương lái thu mua phụ thuộc vào nhà máy, nhà máy phụ thuộc vào tình hình xuất khẩu mà chủ yếu ở đây là thị trường Trung Quốc. Khi thị trường Trung Quốc hạn chế thu mua hoặc ép giá thì hậu quả cuối cùng là người nông dân phải gánh chịu.
“Cái khó bó cái khôn”, giá mì xuống thấp khiến một bộ phận người dân không quan tâm đến việc đầu tư chăm sóc nên năng suất mì vụ này theo đó giảm mạnh. Bên cạnh đó, lâu nay, một bộ phận người dân vùng đồng bào DTTS vẫn chưa chú ý thâm canh tăng năng suất dẫn đến đất đai ngày càng thoái hóa, năng suất ngày càng giảm, độ bột củ mì ngày càng thấp. Vì thế, vụ này người trồng mì thiệt đơn thiệt kép, vừa bị thất thu về sản lượng, vừa chịu thua thiệt về giá.
Giá mì thấp cũng khiến cho nhà máy chế biến tinh bột sắn gặp khó trong việc thu mua nguyên liệu, bởi người dân không mặn mà thu hoạch.
Theo ông Đỗ Đình Ba – Giám đốc Công ty TNHH MTV Tinh bột sắn Kon Tum, cái khó hiện nay các nhà máy chưa xây dựng được vùng nguyên liệu và chưa ký được hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân nên việc thu mua rất thất thường. Giá lên, người dân ồ ạt thu hoạch thì nhà máy quá tải, mà giá xuống nông dân thờ ơ thì nhà máy lại không đủ nguyên liệu sản xuất.
Mì là loại cây trồng không được ngành Nông nghiệp và các địa phương khuyến khích, nhưng khách quan nhìn nhận, đây vẫn là cây trồng của người nghèo, phù hợp với trình độ canh tác của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Là nguồn thu nhập quan trọng của phần đông nông dân, nên việc mì rớt giá suốt một thời gian dài đang khiến cuộc sống của người dân hết sức khó khăn.
Ngọc Thắng