Mạch sống Plei Krông
Nhìn cá chết trắng lồng, tôi đã lo rằng, mai mốt đây, nhánh hồ này sẽ hoang vắng trở lại, bởi những gia đình nuôi cá lồng ở đây sẽ bỏ bè, bỏ hồ mà lên bờ vì không đủ sức gượng dậy nữa. Nhưng không lâu sau, tôi nhận ra mình sai, bởi chưa bao giờ họ tắt hy vọng, và sau mất mát, khát vọng vươn lên lại càng mãnh liệt hơn...
Chưa bao giờ tắt hy vọng
Dễ đến cả tháng trời, kể từ cái đận tai bay vạ gió rơi xuống "xóm nhà bè" nhỏ lênh đênh ở một nhánh lòng hồ thủy điện Plei Krông ấy, tôi vẫn bị ám ảnh bởi dáng ngồi của ông Lê Khả Tuyên trên cái lồng bè hun hút gió. Hai bàn tay đen đúa ôm lấy đầu, ông thẫn thờ nhìn xác cá nổi trắng, dập dềnh theo từng con sóng.
Ấy là một ngày tháng 7/2017. Không gian nơi tôi đứng ngập tràn mùi tanh tưởi từ cá chết trong lồng chưa kịp vớt; từ những bao tải đựng xác cá chất đống trên bờ hồ. Dăm ba bóng người bì bõm vớt cá chết. Chỉ mới hôm qua thôi, tiếng cá quẫy đòi ăn còn náo động sóng nước.
Cách lồng bè của ông Tuyên chừng dăm phút đi xuồng, 4 lồng cá của anh Lê Đình Tân cũng đang nhộn nhạo vớt cá. Chị vợ vừa làm vừa khóc, còn anh Tân lầm lì lặn ngụp. Cá vớt lên, được đóng bao, đem lên bờ tiêu hủy. "Phải đào hố, rắc vôi bột, lấp kỹ, nếu không sẽ gây ô nhiễm nước hồ nặng nề"- anh Tân nhấm nhẳng nói.
|
Mấy nhà bè dập dềnh dưới trời nắng chang chang; những gương mặt buồn ủ ê sắt lại dưới nắng khiến lòng người mặn chát. Tôi nhận ra rằng chẳng phải gia đình có cá chết nhiều thì buồn hơn gia đình có cá chết ít, bởi mỗi người một cảnh, nhưng nỗi buồn cũng lớn lao như nhau. Hơn 64 tấn cá chết bất thường, đã vùi theo đó bao nhiêu là kỳ vọng, là ước mơ, là khao khát đổi đời.
Vụ cá này mà suôn sẻ, thu hoạch xong, tôi sẽ sắm cái ti vi, để tối tối anh em ta coi bóng đá cho bớt sầu - anh Tân từng hứng khởi phát biểu như vậy. Đùng cái cá chết, cứ như người ta trở bàn tay, nhanh lắm. Ngủ một đêm, sáng dậy đã thấy cá ngửa bụng, nổi trắng lồng. Vớt từng con cá lên mà lòng rưng rức, đứt ruột. Bụng xót như xát muối, tê tái bơi xuồng qua nhà khác, thấy cũng chẳng khác gì.
Ở đầu bè, giọng vợ ông Tuyên rền rĩ: Bao công sức, tiền của đổ hết xuống hồ thế này, giờ biết làm sao? Ông gắt lên: Bà thôi đi cho tôi nhờ. Bà nín bặt, bởi lúc này, bà biết, nước mắt của ông đang chảy vào trong, 22 tấn cá đến kỳ xuất bán chứ ít đâu?
Cá chết, giống như một luồng nước lạnh tạt vào ngọn lửa trong lòng của mỗi người. Thấy ông Lê Khả Tuyên suy sụp ngồi nhìn 6 lồng với hàng chục tấn cá chuẩn bị xuất bán bỗng dưng chết trắng, tôi đã lo rằng ông sẽ quỵ mất, hoặc chí ít cũng bỏ bè, bỏ hồ mà lên bờ.
Sau sự cố đó, tôi không dám gọi điện thoại thăm hỏi ông Tuyên hay anh Tân, bởi tôi sợ khơi lại nỗi buồn lo trong họ. Có lẽ bây giờ gia đình ông Tuyên đã bỏ bè lên bờ, lo chăm bẵm ít cây cà phê, tích cóp để trả nợ ngân hàng và tiền cá giống, tiền thức ăn đang nợ- tôi thầm nhủ.
Nhưng rồi hơn tháng sau, tôi nhận được điện thoại của anh con rể của ông Tuyên. A lô! Tiếng anh bạn lập bập trong ù ù gió: Ông bà đang chuẩn bị nuôi cá lại anh ạ.
Hóa ra ông Tuyên, cũng như những người nuôi cá như ông, chưa bao giờ tắt hy vọng rằng những con người lam lũ cực nhọc cả đời xứng đáng được trả công! Và sau mất mát, khát vọng vươn lên lại càng mãnh liệt hơn...
"Sống là để bước tới..."
Vậy là họ đã đứng dậy, bước tiếp!
Khi tôi đến, ông Tuyên đang tất bật cho cá ăn. Vẫn còn đó dấu tích của sự thiệt hại hơn tháng trước, nhưng nước hồ Plei Krông đã dâng lên và trong trở lại. Sự ủ ê trên khuôn mặt đen đúa của ông Tuyên đã được thay thế bởi nét linh hoạt, hóm hỉnh ngày nào. Ông hấp háy mắt: Không thể buồn khổ mãi được chú ạ. Sống là để bước tiếp.
Vâng! Sống là để bước tiếp. Nên ngay khi con nước ổn định trở lại, khi nợ ngân hàng đến kỳ trả, tiền nợ cá giống, thức ăn vụ trước đang sùng sục đằng sau, người ta vẫn thấy ông Tuyên, ông Tân và những hộ khác lụi hụi kéo lồng ra kỳ cọ, sát khuẩn kỹ lưỡng, chằng buộc lại cho chắc chắn. Rồi tong tả đến nhà cung cấp cá giống, thức ăn xin... khất nợ và mua tiếp.
Cũng may mà nhà cung cấp chia sẻ khó khăn, không chỉ đồng ý khoanh nợ tiền giống, tiền thức ăn, mà còn tiếp tục cho "ký sổ" cá giống, thức ăn cho vụ mới. Cả 5 hộ gia đình đều được giúp đỡ như vậy - anh Tân cho hay.
Đêm trước ngày xuống cá giống, cả 5 gia đình gần như không ngủ. Mới mờ sáng, xuồng máy, xuồng tay đã dập dềnh trên mặt nước. Cá giống được chuyển ra, nâng niu trên những cánh tay lực lưỡng. Đợt này, gia đình ông Tuyên vẫn nuôi 6 lồng với khoảng 500 con cá trắm cỏ (trọng lượng 1kg/con), 50kg cá trê và hơn 90 ngàn cá diêu hồng. Nước tốt, nuôi đúng kỹ thuật, thức ăn đầy đủ nên cá lớn như thổi.
|
Thế rồi, câu chuyện cứ xoay quanh con cá. Ông Tuyên nói: Rút kinh nghiệm lần trước, vụ này mọi người nuôi với mật độ thưa hơn, các lồng bè đặt ở khoảng cách vừa phải, thiết kế hệ thống sục khí bằng máy nổ; giảm lượng thức ăn vào buổi tối...
Bác Tuyên gái đang phụ chồng bưng thức ăn cho cá chen vào: Cũng chật vật lắm chú ạ. Chạy vạy, vay mượn khắp nơi. Sau đận ấy, cán bộ huyện có xuống thống kê thiệt hại và nói Nhà nước sẽ hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại, ít thôi, nhưng cũng nhẹ bớt gánh nặng cho người dân, vậy mà đến nay vẫn chẳng thấy đâu. Hay là - bà ngập ngừng - khi nào chú hỏi giúp...
Ông gạt đi: Chuyện đâu có đó, không lẽ nói cho vui. Quan trọng là mình phải lo cho cuộc sống của mình, của gia đình mình, chứ không thể cứ thụ động ngóng trông tiền trợ cấp của Nhà nước. Bà cười cười: Ấy là tôi nói thế.
Cứ thế, ông bà dồn tâm tư vào những lồng cá. Một đêm vài ba lần, ông dậy soi đèn rảo một vòng quanh lồng, trong lều, bà cũng chập chờn không ngủ, choàng dậy đi với ông. Ông bà an ủi nhau, hồi trước giờ có khi nào nhà mình không vất vả, không dậy sớm thức khuya.
Phải chăng vì niềm hy vọng khao khát vươn lên nên khổ cực tới đâu ông bà cũng chịu được? Trong "xóm" cũng vậy. Không ai bảo ai, bà con tự lo, tự xoay xở tái đàn cá. Thôi thì Nhà nước lo được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu. Nhà nước còn phải lo tỉ tỉ chuyện lớn, chuyện mất còn khác- ai cũng nghĩ vậy.
Và hôm nay là một ngày quan trọng với anh Tân, đúng hơn là với cả "xóm nhà bè" gồm 5 hộ gia đình trên nhánh hồ ở làng Long Loi (thị trấn Đăk Hà): Anh Tân xuất bán lứa cá đầu tiên. Những con cá trắm quẫy đùng đùng trong lồng, làm lồng cá diêu hồng bên cạnh cũng nhao cả lên.
Tôi tròn mắt ngạc nhiên nhìn những con cá nặng 4-5kg. Nhanh dữ vậy? Anh "hàng xóm" tên Tuấn cười: Đây là cá còn sót lại từ hồi tháng 7 đó anh. Cá mới nuôi ở bên mấy lồng này, cũng tầm 1kg/con rồi. Thì ra vậy. "Sau đận ấy, tôi vét lồng được mấy chục con trắm, thả lồng chăm bẵm, ai ngờ sống khỏe. Nó còn sống được thì mình cũng sống được chú à"- anh Tân rủ rỉ.
Ai mà biết, những con cá còn sống sót sau "tai bay vạ gió" lại nhen lên niềm hy vọng, niềm tin vào cuộc sống nơi "xóm nhà bè"!
Sau khi hoàn thành chuyện mua bán với thương lái, anh Tân giữ con cá to nhất lại để “liên hoan". Vẫn cái dáng ngồi bệt trên lồng cá, đôi bàn tay đen đúa ôm lấy đầu, nhưng giọng ông Tuyên đã không còn cái u uất, buồn bã hôm nào khi kể về chuyện tái nuôi cá của gia đình, chia sẻ về những dự định khi vụ thu hoạch tới...
Ờ mà, sống trên lồng bè mới thấy cái thú của nó chú ơi - ông Tuyên khề khà - Gió cứ hây hây trên da, trên tóc. Mặt nước mênh mông, bờ hồ xa xa, bạt ngàn cao su, cà phê. Mình cứ nằm trên nhà bè, nghe nước vỗ lóc lóc, cá quẫy rào rào... Có thất tình cũng không thèm buồn. Cuộc sống đẹp thế, vui thế cơ mà.
Bác Tuyên gái hấm hứ nhìn chồng, tay vẫn bận rộn với mẻ tôm tươi roi rói. Lát nữa sẽ có nồi cháo tôm ngọt lừ...
Ông Tuyên nhất quyết lái xuồng máy đưa chúng tôi vào bờ, dù anh Tân xung phong làm thay. Con xuồng đè sóng găm mũi hướng đồi cà phê. Gió thổi lồng lộng trên mặt hồ, thoảng mùi ngai ngái, nồng nồng của phù sa, của tôm cá đặc trưng vùng sông nước.
Và lạ thay, ngắm dáng ngồi vững chãi của ông Tuyên nơi cuối xuồng, tôi cảm nhận được mạch sống đang lặng thầm xuôi chảy, đang vươn lên nơi sóng nước Plei Krông.
Thành Hưng