Ma trận thị trường vật liệu xây dựng
Thời điểm này, bắt đầu bước vào mùa xây dựng, nhu cầu mua sắm các loại vật liệu xây dựng tăng cao. Trước sự đa dạng, phong phú của các mặt hàng vật liệu xây dựng, người tiêu dùng như đứng trước một “ma trận” về chủng loại, giá cả, mẫu mã.. Việc chọn loại vật liệu nào là cả một “bài toán khó” với không ít người tiêu dùng.
Từ trung tuần tháng 2, sức tiêu thụ các mặt hàng vật liệu xây dựng đã bắt đầu tăng; không khí mua bán tại một số cửa hàng đã diễn ra nhộn nhịp. Ngoài mặt hàng thép, nhìn chung, giá các mặt hàng vật liệu xây dựng chưa có nhiều biến động so với cuối năm 2016.
Tuy nhiên, trước đa dạng của các thương hiệu, nhãn hiệu, chủng loại và giá cả hàng hoá thì việc chọn loại vật liệu nào chính hãng, đúng giá, đảm bảo chất lượng là cả một “bài toán khó” với không ít người tiêu dùng.
Chị Hạnh (phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) chuẩn bị làm nhà nên mấy tuần nay chị dành khá nhiều thời gian để tham khảo thị trường vật liệu xây dựng, nhưng mãi vẫn chưa chọn được nhà cung cấp nào ưng ý.
Theo chị Hạnh, chẳng phải gia đình chị khó tính hay kén chọn gì, mà qua đợt khảo sát vừa qua, chị thấy mình thực sự như lạc vào “mê hồn trận”. Ở mỗi cửa hàng, những người bán hàng đều giới thiệu về rất nhiều mẫu mã, chủng loại, nơi nào cũng quảng cáo sản phẩm của mình là tốt, chất lượng; đặc biệt giá cả thì vô cùng phong phú, có khi cùng một loại vật liệu, thiết bị, một mã hàng nhìn bên ngoài giống hệt nhau mà mỗi nơi báo một giá. Suy đi tính lại, chị thấy nếu tự mình đi mua thì chắc chắn khó mà mua được các loại vật liệu đúng giá và chất lượng, thế nên chị đành phải nhờ một người quen làm trong nghề xây dựng mách nước.
Một vài người buôn bán vật liệu xây dựng tiết lộ, thực ra mỗi dòng sản phẩm đều có 5-7 loại, ví dụ như cùng một thiết bị vệ sinh có loại nhập khẩu của nước ngoài thường có giá rất cao, loại do Việt Nam sản xuất phân khúc ở mức trung bình và thấp, loại hàng Trung Quốc có giá rất rẻ; chưa nói đến cùng một dòng sản phẩm của cùng nhà sản xuất nhưng cũng có loại chất lượng A, B, C.
|
Hay như sản phẩm gạch ốp lát cũng vậy, có loại 1, loại 2, loại 3 và giữa các loại luôn có giá chênh lệch khá lớn. Tuy nhiên, việc phân biệt giữa sản phẩm chất lượng và kém chất lượng với người tiêu dùng bình thường là rất khó, chỉ có những người trong nghề hoặc am hiểu về vật liệu thì mới biết rõ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, mặt hàng được nhiều khách hàng quan tâm và cũng đáng lo ngại nhất trong ngành xây dựng là các nguyên liệu thiết yếu như gạch, sắt thép, xi măng...
Hiện nay, trên thị trường, mỗi mặt hàng có hàng chục thương hiệu, nhà sản xuất khác nhau. Có sản phẩm của các doanh nghiệp nhà nước, công ty liên doanh, nhưng cũng có rất nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp tư nhân... Để thu hút khách hàng, các nhà sản xuất liên tục đưa ra thị trường những sản phẩm mới với mẫu mã phong phú và đa dạng.
Nhờ sự cạnh tranh này, người tiêu dùng có được nhiều sự lựa chọn hơn. Tuy nhiên, cũng từ đây, các sản phẩm hàng nhái, hàng kém chất lượng có điều kiện trà trộn vào gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Chẳng hạn như mặt hàng thép cây có loại đủ, có loại thiếu về trọng lượng; tôn cũng có loại tôn xịn, tôn rởm... Mà các mặt hàng tôn, sắt thép lại rất khó có thể nhìn nhận được bằng mắt thường, người tiêu dùng khi nhìn cái nào cũng như nhau; thậm chí cả cơ quan chức năng nhiều khi cũng gặp khó nên người dân rất dễ mua phải hàng kém chất lượng.
Một trong những loại vật liệu khiến người tiêu dùng phải đau đầu trong quá trình chọn lựa đó là là các loại thiết bị vệ sinh.
Tham khảo thị trường sứ vệ sinh, dễ dàng nhận thấy sự phân chia thị trường thành các tầng sản phẩm khá cách biệt, những người có điều kiện kinh tế thường chọn những thương hiệu nổi tiếng của Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc như: Ceasar, American Standard, Inax… có giá thành tương đối cao từ vài chục triệu đến vài trăm triệu một bộ sản phẩm.
Với những người túi tiền eo hẹp hơn thường chọn những sản phẩm của Việt Nam sản xuất như Thiên Thanh, Dona, Viglacera, Thanh Trì, Sơn Hà… có giá phải chăng.
Tuy nhiên, theo những người bán hàng chia sẻ: Trên thị trường có nhiều loại thiết bị vệ sinh nhìn bề ngoài rất giống nhau về mẫu mã sản phẩm, nhưng xuất xứ và chất liệu thì khác xa nhau hoàn toàn. Các mặt hàng chính hãng nhập khẩu thường có giá bán khá cao, nhưng chất lượng tốt đảm bảo; còn những sản phẩm nhái thường là hàng Trung Quốc nên có thể giá bán thấp, song chất lượng kém xa. Nếu khách hàng không thực sự tinh ý và lại gặp phải những người kinh doanh không lành mạnh rất dễ mua phải những sản phẩm nhái mà phải trả giá tiền hàng thật.
Sơn cũng là một trong những mặt hàng vô cùng đa dạng và phong phú; từ các loại sơn ngoại đến sơn nội, loại nào cũng được quảng cáo là chống thấm, làm bóng bề mặt... Và đây cũng là loại vật liệu xây dựng mà người tiêu dùng thường rất khó khăn trong việc lựa chọn. Thực tế cho thấy, sơn cũng là loại mặt hàng người mua rất dễ bị nhầm bởi hàng giả hiện được sản xuất rất tinh vi và thường phải qua một thời gian sử dụng mới có thể phát hiện ra.
Với “ma trận” các mặt hàng vật liệu xây dựng như thế, người tiêu dùng sẽ gặp phải nhiều khó khăn trong việc phân biệt đâu là sản phẩm chất lượng, đâu là hàng kém chất lượng. Nếu không may mua phải hàng kém chất lượng thì người tiêu dùng bị “móc túi” đã đành, mà điều đáng ngại hơn là nó làm ảnh hưởng tới chất lượng các công trình xây dựng.
Do đó, người tiêu dùng nên cẩn thận trọng khi lựa chọn hàng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần thắt chặt hơn nữa việc quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các loại vật liệu trên thị trường góp phần ngăn chặn tình trạng bán hàng giả, hàng lậu, bảo vệ người tiêu dùng.
Ngọc Thắng