Liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm
Việc liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm giúp nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, bảo đảm an toàn thực phẩm, đầu ra sản phẩm ổn định và nâng cao giá trị sản phẩm.
Trước yêu cầu đặt ra trong việc tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng nông thôn mới, trong những năm gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh đang từng bước giúp nông dân liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và và tiêu thụ sản phẩm.
|
Theo ông Trần Văn Chương- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thực hiện chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; chính sách khuyến khích phát triển sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng liên ngành tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 39/QĐ-UBND ngày 12/01/2018 về kế hoạch liên kết sản xuất, tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tỉnh đặt ra mục tiêu xây dựng kế hoạch liên kết sản xuất, tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm tổ chức lại các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi theo hướng đẩy mạnh các hình thức tổ chức sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để thực hiện liên kết sản xuất quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm; hình thành cơ chế liên kết giữa các chủ thể tham gia mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gắn với thị trường, bảo đảm an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ và xây dựng thương hiệu sản phẩm; kết hợp hài hòa giữa lợi ích và sự phát triển của các chủ thể góp phần cải thiện điều kiện về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững.
Cụ thể, tỉnh xây dựng 9 chuỗi liên kết theo tiêu chí cánh đồng lớn với các sản phẩm cà phê vối, cà phê chè; rau củ quả; dược liệu, mì, mía; cây thức ăn chăn nuôi, lúa, gạo (lúa gạo đỏ Măng Đen); chanh dây và các sản phẩm đặc thù của địa phương.
Về các địa phương tìm hiểu việc thực hiện liên kết, bước đầu chúng tôi thấy có nhiều dấu hiệu đáng mừng. Tại thôn 4, xã Đăk Tơ Lung (huyện Kon Rẫy), chúng tôi gặp một số hộ tham gia liên kết với Công ty Cổ phần thực phẩm và dược liệu Măng Đen trồng bắp lấy thân làm thức ăn cho dê và được đơn vị này bao tiêu sản phẩm. Bà con phấn chấn vì trồng bắp theo hình thức này có thu nhập khá cao. “Liên kết với Công ty Cổ phần thực phẩm và dược liệu Măng Đen trồng bắp lấy thân, gia đình thu hơn 10 triệu đồng từ mấy sào đất. So với trồng bắp chuyên lấy hạt và trồng mì, trồng bắp lấy thân thu nhập cao hơn”- A Bay bộc bạch.
|
Tại xã Ya Xiêr (huyện Sa Thầy), ông A Bền- Chủ tịch UBND xã cho biết, liên kết với Nhà máy chế biến tinh bột mỳ trên địa bàn huyện, người dân đầu tư thâm canh cây mì. Có đầu ra ổn định, mỳ năm nay được giá (1.700-2.000 đồng/kg củ mì tươi), nhiều hộ nông dân trên địa bàn có thu nhập từ 20-30 triệu đồng/vụ mì. Với việc liên kết sản xuất, nhiều hộ nông dân có thu nhập ổn định và khá cao từ cây mỳ.
Ở các xã Đăk Long, Hiếu, Măng Cành…(huyện Kon Plông), chính quyền địa phương giúp người dân thành lập các tổ hợp tác và liên kết với doanh nghiệp thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm cà phê xứ lạnh.
Trao đổi về việc liên kết, ông A Hùng- thôn Kon Vơng Kia 2 (xã Đăk Long) hào hứng kể: Vào năm 2014, gia đình được tỉnh và huyện hỗ trợ trồng 2 sào cà phê chè xứ lạnh giống TN1. Vụ thu hoạch cà phê vừa qua, gia đình thu 4 tấn cà phê. Liên kết với doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm, gia đình tôi cũng như các thành viên trong tổ hợp tác được doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn so với năm chưa liên kết bán cho thương lái. Liên kết với doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm, cây cà phê xứ lạnh đang góp phần giúp người dân giảm nghèo, nâng cao đời sống.
Liên kết trong việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nông dân và doanh nghiệp cùng được lợi.
Văn Nhiên