Liên kết doanh nghiệp - nông dân tạo động lực phát triển
Liên kết trong chuỗi giá trị nhằm nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa là xu hướng tất yếu của nền kinh tế thị trường. Mối quan hệ này bước đầu được hình thành, phát triển giữa doanh nghiệp và nông dân trong một số ngành, lĩnh vực sản xuất tại địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững...
Bà Nguyễn Thị Thời ở thôn Phương Quý 2, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum có 700m2 đất vườn, trước đây thường bị úng nước trong mùa mưa; trồng bắp hay mỳ năng suất đều thấp, thu nhập chẳng là bao.
Tháng 3/2017, nhờ liên kết với Công ty TNHH MTV Quảng Tân, bà chuyển toàn bộ diện tích sang trồng cây nghệ đỏ. Công ty đầu tư 100kg giống nghệ, 50% định mức phân bón (gồm phân lân, phân vi sinh), thuốc chống mối, chế phẩm sinh học. Theo hợp đồng ký kết, đến vụ thu hoạch, công ty sẽ thu mua sản phẩm nghệ củ với giá bảo hiểm 7.000 đồng/kg. Được chăm sóc theo quy trình kỹ thuật nên vườn nghệ của gia đình bà sinh trưởng và phát triển tốt.
|
Thông qua “kết nối”của UBND xã, đến nay, 12 hộ nông dân ở xã Vinh Quang đã liên kết với Công ty Quảng Tân trồng 3,15ha nghệ đỏ. Ông Nguyễn Đình Nhiên - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Tuy diện tích còn khiêm tốn, song bước đầu, mối liên kết doanh nghiệp - nhà nông đã mở ra hướng sản xuất được bà con đón nhận. Doanh nghiệp thu mua nguyên liệu phục vụ chế biến tinh bột nghệ. Bà con nông dân được tạo đầu ra ổn định cho nông sản.
Trong bối cảnh nền kinh tế yêu cầu gắn nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh với phát triển bền vững, liên kết giữa doanh nghiệp và bà con nông dân được đề cao và phát huy. Ở tỉnh Kon Tum, đáng kể là nỗ lực tạo dựng và duy trì mối quan hệ liên kết sản xuất nhằm cung ứng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến một số nông sản truyền thống.
Những năm qua, liên kết giữa Công ty CP Đường Kon Tum với bà con nông dân tại địa bàn thành phố Kon Tum và một số địa phương lân cận đã góp phần ổn định vùng nguyên liệu phục vụ chế biến đường.
Ông Thái Văn Quang - nông dân ở phường Duy Tân, thành phố Kon Tum cho biết: Liên kết trồng mía với công ty, mỗi héc ta, nông dân không chỉ nhận hỗ trợ chi phí làm đất 4 triệu đồng, mà còn được cấp 10 tấn phân bã bùn để chăm sóc vườn. Bà con cũng được nhà máy bao tiêu nguyên liệu với giá 800 đồng/kg mía cây. Trường hợp giá thị trường thấp hơn giá bảo hiểm, công ty vẫn mua theo mức giá đã ký kết. Giá thị trường cao hơn mức giá bảo hiểm, công ty lại thu mua theo giá thị trường.
Trong khi giá cả không ít loại nông sản còn bấp bênh, chưa thực sự ổn định; được bảo hiểm đầu ra chính là thuận lợi cho sự lựa chọn của nhiều hộ nông dân gắn bó với cây mía.
Trên cơ sở liên kết với bà con nông dân, bước đầu, Công ty CP Đường Kon Tum cũng đã xây dựng mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, trồng mía ứng dụng công nghệ cao tại xã Ia Chim, thành phố Kon Tum; tạo điều kiện để nông dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Không chỉ hình thành ở những địa bàn thuận lợi, mối quan hệ liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với bà con nông dân còn được quan tâm gây dựng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn; góp phần giúp bà con giảm nghèo bền vững.
Gần đây, Công ty CP Dược liệu và Thực phẩm Măng Đen đã liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây bắp lấy thân làm thức ăn chăn nuôi gia súc với một số hộ dân tại một số xã của huyện Kon Plông và Kon Rẫy.
Theo đó, công ty hỗ trợ giống, phân bón, chi phí làm đất... và tổ chức tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn bà con cách gieo tỉa, chăm sóc cây bắp. Công ty thu mua toàn bộ sản phẩm tại chân ruộng với mức giá 700.000 đồng/tấn. Công ty còn hỗ trợ tiền bốc xếp vận chuyển lên xe 30.000 đồng/ tấn.
Với năng suất bình quân 18-20 tấn/ha và mức giá này, người trồng bắp lấy thân thu từ 13 đến 18 triệu đồng/ha/vụ; cao hơn hẳn so với trồng mỳ hay trồng bắp bình thường. Còn doanh nghiệp, khi liên kết với bà con nông dân có đủ nguồn thức ăn để phát triển số lượng, nâng cao chất lượng đàn dê.
“Trong những vụ tới, nếu bà con chủ động luân canh, xen canh; sử dụng các giống bắp mới và tuân thủ quy trình kỹ thuật sản xuất, nhất là đảm bảo chăm sóc, năng suất có thể cao hơn nhiều; thu nhập được nâng lên đáng kể” - ông Nguyễn Đình Viết - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông khuyến cáo.
Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy khóa XIV về phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh nói chung, chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, hiện nay, liên kết để phát triển rau - hoa - quả xứ lạnh, các loại cây dược liệu... bước đầu cũng được các doanh nghiệp và bà con nông dân địa phương quan tâm thiết lập.
Thực tế, mối quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp và bà con nông dân có thực sự phát huy tác động, hiệu quả hay không, trước hết, phụ thuộc vào chính “uy tín” của doanh nghiệp. Liên kết bền vững dựa trên cơ sở nhu cầu, mức độ tiêu thụ nguyên liệu của doanh nghiệp và khả năng chủ động diện tích đất đai, nhân công của bà con nông dân.
Trong quá trình liên kết, bà con nông dân cần hỗ trợ “đầu vào” (gồm vốn, giống, vật tư phân bón...), song quan trọng hơn, phải được đảm bảo “đầu ra” cho sản phẩm của mình. Để đáp ứng yêu cầu cung cấp nguyên liệu, bà con cũng rất cần được tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
Đảm bảo các điều kiện cần thiết này chính là nền tảng tăng cường hiệu quả liên kết lâu dài, bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân trong quá trình sản xuất - kinh doanh; thực sự gắn kết với nhau thành “chuỗi giá trị”, để tạo ra “hiệu quả kinh tế”, “sức cạnh tranh” của sản phẩm nông nghiệp, nhất là nông sản phục vụ xuất khẩu.
Thanh Như