Làng Đăk Dế bảo nhau giữ rừng
Những năm qua, làng Đăk Dế đã vận động, kêu gọi người dân trong làng không chặt phá rừng bừa bãi, đồng thời khuyến khích trồng mới diện tích rừng. Nhờ vậy, Đăk Dế luôn là làng điểm trong công tác bảo vệ rừng ở Đăk Tô.
|
Trong chuyến về xã Đăk Rơ Nga công tác, vì di chuyển đoạn đường xa nên tôi tạm dừng chân nghỉ ngơi ở làng Đăk Dế và thật may mắn khi gặp ngay già làng A Heng.
Biết tôi không phải người trong vùng, nhưng già vẫn rất cởi mở hỏi thăm, mời tôi uống một thức uống khá hấp dẫn của người Xê Đăng, đó là rượu cây Tơ Veă, rượu lấy tự nhiên và được chưng cất trên núi Ngọc Tăng.
Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên và muốn tìm hiểu, già A Heng hỏi: Cô có muốn đi thử cho biết không? Tất nhiên là tôi đồng ý ngay. Sau 5 phút vào nhà lấy dụng cụ đi rừng, già trở ra và chỉ tay về phía ngọn núi Ngọc Tăng xa xa trước mặt: Giờ chúng ta đi xe máy chừng 2km, sau đó để xe ở chân núi rồi đi bộ tiếp 1,5km nữa là đến nơi thôi.
Đi theo chúng tôi còn có cả cháu trai chừng 7 tuổi, theo như lời già nói, đứa bé đó sẽ là người nối dõi của già sau này. Dọc đường vào rừng, già đã kể cho tôi nghe câu chuyện giữ rừng của người dân làng Đăk Dế. "Nhiều năm trước, thanh niên trong làng câu kết với người lạ lên đây chặt phá cây rừng, trong đó có cả cây Tơ Veă. Vì khi đó hầu hết bà con chưa hiểu được giá trị của việc giữ rừng và vì lợi ích cá nhân nên họ ồ ạt chặt phá rừng bữa bãi như thế... Sau khi được tuyên truyền không nên chặt phá rừng làm nương rẫy, già đã về phổ biến lại cho bà con cách bảo vệ rừng, bảo vệ cây rượu quý của làng" - Già A Heng chia sẻ.
Như để minh chứng những điều vừa nói, già quả quyết: Lát tôi sẽ dẫn cô qua khu vực bên kia sông, phía bên đó giờ thanh niên không những thực hiện bảo vệ rừng, mà còn làm tốt phong trào phủ xanh đất trống đồi trọc.
Nói là đi, già A Heng đưa tôi qua bên kia sông. Đến nơi, tình cờ gặp A Toản - 35 tuổi, người trong làng, nghe già nói chuyện giữ rừng, anh hồ hởi kể với tôi: cách đây 5 năm, mình và nhiều thanh niên trong làng không chịu đi làm, suốt ngày ở nhà rượu chè. Rồi một ngày có người lạ vào làng rủ đi chặt cây rừng, họ trả tiền công ngày 200.000 đồng/người, hôm nào họ không đi cùng được, thì mình chặt rồi bán lại cho họ với giá tính theo cây. Sau này, các cán bộ xã về làng tổ chức tuyên truyền phổ biến việc phải bảo về rừng, khi ấy bà con mới nhận thức được tác dụng của việc giữ rừng và nghiêm cấm người lạ vào chặt phá rừng bừa bãi nữa.
Già A Heng cho biết, để đảm bảo công bằng và quản lý chặt chẽ cây rừng, già đã cùng dân làng thống kê tổng số cây rừng có được tại núi Ngọc Tăng rồi chia ra cho 6 người trong làng có nhiệm vụ canh giữ. Những người này được phép khai thác rượu từ cây Tờ Veă, sản phẩm thu được từ cây rượu sẽ trừ làm khoản lương cho những người tham gia giữ rừng. Hiện, mỗi người nhận trung bình từ 7 – 10 cây Tờ Veă, nhà thu nhiều thì được 50 lít rượu/cây/năm, nhà thu ít thì 30 lít/cây/năm, giá bán hiện nay 15.000 - 20.000/lít.
Nhờ làm tốt công tác vận động nhân dân cùng nhau bảo vệ rừng, già A Heng được tín nhiệm làm cán bộ mặt trận thôn Đăk Dế. Những năm sau, làng Đăk Dế luôn được xếp vị trí đầu danh sách thôn, làng thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng của xã.
Ngô Xuân