Kỳ vọng từ một dự án
Dự án sẽ thực hiện việc xác định ranh giới, cắm mốc ranh giới đất và lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất; đo đạc xác định ranh giới sử dụng đất và đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính của từng công ty lâm nghiệp theo đơn vị hành chính xã; tổ chức đăng ký quyền sử dụng đất…
Thực hiện Quyết định số 548/QĐ-UBND ngày 24/5/2016 của UBND tỉnh, dự án lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất; đo đạc, lập bản đồ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là dự án) cho 7 công ty TNHH MTV Lâm nghiệp (gọi tắt là công ty lâm nghiệp) trên địa bàn tỉnh đang được các bên có liên quan gấp rút triển khai. Dự án được kỳ vọng sẽ giải quyết những hạn chế trong quản lý, sử dụng đất của các công ty lâm nghiệp.
Những “nút thắt” sẽ được tháo gỡ
Đánh giá về thực trạng quản lý, sử dụng đất của các công ty lâm nghiệp, ông Phạm Đức Hạnh - Giám đốc Sở TN&MT cho rằng, hầu hết diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh được Nhà nước giao trước Luật Đất đai năm 1993, chủ yếu thực hiện trên sổ sách là chính và giao theo từng tiểu khu... nên diện tích đất lâm nghiệp được giao hiện nay không còn nguyên trạng bởi xâm canh, lấn chiếm.
Trong khi đó, việc quản lý, sử dụng đất tại các công ty lâm nghiệp bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Đó là hiệu quả sử dụng đất chưa cao; hệ thống số liệu, tài liệu, bản đồ về đất đai chưa đầy đủ và thiếu chính xác; ranh giới sử dụng đất nhiều nơi chưa được xác định rõ trên thực địa; tình trạng tranh chấp, vi phạm pháp luật về đất đai còn phức tạp; việc chuyển sang thuê đất theo quy định của pháp luật còn chậm; diện tích đất bàn giao cho địa phương chưa có hồ sơ địa chính để quản lý, sử dụng.
Vì vậy, lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất; đo đạc, lập bản đồ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty TNHH MTV Lâm nghiệp là một dự án đặc biệt quan trọng, mang tính đột phá nhằm cụ thể hóa Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 4/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất của các nông, lâm trường.
Dự án sẽ thực hiện việc xác định ranh giới, cắm mốc ranh giới đất và lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất; đo đạc xác định ranh giới sử dụng đất và đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính của từng công ty lâm nghiệp theo đơn vị hành chính xã; tổ chức đăng ký quyền sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận, lập hồ sơ địa chính của các công ty lâm nghiệp, phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai…
|
Khi dự án hoàn thành, hàng loạt “nút thắt” đã tồn tại lâu nay sẽ được tháo gỡ - ông Phạm Đức Hạnh khẳng định - Thứ nhất, xác định rõ chủ thể sử dụng đất cũng như ranh giới sử dụng đất đã giao, đã cho thuê sử dụng để quản lý chặt chẽ quỹ đất, hạn chế và ngăn ngừa tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai. Thứ hai, xây dựng hồ sơ pháp lý để các công ty lâm nghiệp quản lý và sử dụng đất, quản lý rừng theo đúng quy định pháp luật; phát huy hiệu quả sử dụng đất, sử dụng rừng. Thứ ba, giúp chính quyền có cơ sở để quản lý, quy hoạch sử dụng tài nguyên đất đai khoa học, hợp lý phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Quan trọng hơn, trong quá trình triển khai dự án, tỉnh Kon Tum cũng được Bộ TN&MT chọn làm điểm lồng ghép giải quyết diện tích đất chồng lấn. Theo đó, sẽ xác định rõ nguồn gốc đất của người dân đã sản xuất ổn định trước khi có quyết định giao đất cho các công ty lâm nghiệp để cấp quyền sử dụng nhằm giải quyết vấn đề thiếu đất sản xuất, góp phần ổn định đời sống.
Đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng
Từ góc độ chủ rừng, ông Ngô Văn Hải - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Đăk Hà nhìn nhận: Việc triển khai dự án đúng tiến độ sẽ tạo thuận lợi cho chủ rừng trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, nhiệm vụ ngoài thực địa không bị nhầm lẫn về ranh giới lâm phần; giúp chủ rừng bóc tách những diện tích đất sử dụng không hiệu quả hoặc không phù hợp qui hoạch trả về địa phương để bố trí sử dụng phù hợp với qui hoạch...
|
Theo cam kết của các bên có liên quan, dự án sẽ được hoàn thành đúng thời gian quy định là trong tháng 12/2016, dù có không ít khó khăn cần phải tháo gỡ.
Ông Võ Quốc Đoàn - Phó Giám đốc Xí nghiệp TN&MT 5 (Bộ TN&MT), đơn vị thi công trên diện tích của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sa Thầy cho biết, việc triển khai công tác đo đạc và xác định ranh giới ngoài thực địa gặp nhiều khó khăn do thực hiện vào mùa mưa, hơn nữa, quá trình đo đạc, cắm mốc ranh giới đất khá phức tạp do địa hình đồi núi, ranh giới giao đất trước đây chỉ dựa vào địa hình, địa vật tự nhiên; việc quản lý đất đai chưa thật sự chặt chẽ, còn nhiều bất cập.
“Vì vậy, từ đầu tháng 7, đơn vị đã tập trung nhân lực, trang thiết bị để triển khai thi công. Được sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương và chủ rừng, đến nay đơn vị đã hoàn thành việc đúc 314 mốc, đảm bảo quy cách và chất lượng; hiện tại đang tiến hành việc xác định toàn bộ 550 km đường ranh giới để chôn mốc, phấn đấu hoàn thành đúng thời gian quy định” - ông Đoàn chia sẻ.
Về phía Ban quản lý dự án, ông Trần Anh Tuấn - Trưởng phòng Đăng ký đất đai (Sở TN&MT) nhận định: Để hoàn thành đúng tiến độ đòi hỏi các đơn vị thi công phải hết sức nỗ lực, bởi khối lượng công việc rất nặng nề. Tổng chiều dài đường ranh giới cần đo đạc, cắm mốc lên tới 3.227km; số mốc cần cắm là 3.552 mốc, bình quân chiều dài từ mốc đến mốc 0,9km. Đồng thời, phải chỉnh lý bản đồ địa chính 221.985,4ha với 3379 thửa đất; lập hồ sơ cấp 9.294 giấy chứng nhận/23.232,91ha đất do các công ty lâm nghiệp chuyển về địa phương quản lý cho hộ gia đình, cá nhân...
Riêng về nội dung giải quyết tình trạng đất chồng lấn giữa người dân và các công ty lâm nghiệp, Sở TN&MT đã phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng kế hoạch tổ chức đo đạc tọa độ mốc, cắm mốc ranh giới của các công ty lâm nghiệp; xác định vị trí tiếp giáp giữa đất của công ty lâm nghiệp với đất của các tổ chức, hộ gia đình cá nhân, từ đó tiến hành xác định tất cả các khoanh đất của các công ty lâm nghiệp đang quản lý để tính tiền thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
“Để hoàn thành dự án trước ngày 31/12/2016, chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị tư vấn bố trí nhân lực, trang thiết bị đầy đủ và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các công ty lâm nghiệp để thực hiện các nội dung của dự án. Việc kiểm tra cũng được ban quản lý dự án tiến hành thường xuyên, theo từng công đoạn, hạng mục để đảm bảo hạn chế sai sót đến mức thấp nhất” - ông Tuấn cho hay.
Thành Hưng