Kỳ thú Đăk Sao
“Đã đi nhiều, viết nhiều về rừng, về những người giữ rừng, nhưng chưa ở đâu tôi thấy người ta yêu rừng, trọng rừng như ở Đăk Sao”- bạn đồng nghiệp đã bật thốt. Về phần mình, tôi đã tìm được đáp án cho câu hỏi cứ “hành hạ” suốt mấy ngày qua: Vì sao cho đến bây giờ, rừng ở đây vẫn an toàn, vẫn giữ được vẻ hoang sơ đầy bí ẩn như thế?...
Câu hỏi ấy xuất hiện khi Chủ tịch UBND xã Đăk Ring (huyện Kon Plông) Mai Xuân Mậu phấn khởi kêu lên: Tới rồi. Nhìn theo hướng tay anh chỉ, tôi chỉ thấy bạt ngàn rừng xanh. Xa xa, ven lưng núi là những ngôi nhà thấp thoáng dưới bóng cây. Làng Đăk Sao đấy.
Mà có lẽ không chỉ riêng tôi đâu, nhiều người sau chặng đường dài vượt qua những ngọn núi trọc trơ gốc mì chen cỏ tranh, bỗng dưng thấy rừng già hiện ra trước mắt mình tầng tầng, lớp lớp tán cây chen nhau tỏa bóng đã bật reo lên thích thú: Tuyệt vời, Đăk Sao!
|
Phản ứng ấy âu cũng dễ hiểu bởi càng ngày những cánh rừng nguyên sinh càng trở nên hiếm hoi, và đâu đó, “máu rừng” vẫn chảy, thế nhưng, riêng với Đăk Sao, dù vật đổi sao dời, rừng già vẫn “miễn dịch” với cơn lốc xoáy kim tiền.
Đặt chân vào làng, chúng tôi được sự đón tiếp nồng hậu của già làng A Nghị, thôn trưởng A Chính. Làng Đăk Sao (thôn Đăk Da, xã Đăk Ring) bám cheo leo dưới chân núi Vắc Già, thuộc phía đông dãy Trường Sơn, ở độ cao 900-1.000m. Ba bề bốn bên là núi cao, rừng già, đứng ở làng phóng tầm mắt đi đâu cũng chỉ thấy rừng là rừng.
Ngắm nhìn 4 ngọn núi Vắc Piêu (phía bắc), Vắc Sang (phía tây), Vắc Già (phía đông) và Vắc Ngọc Lúi (phía nam) huyền bí và tĩnh lặng, không hiểu sao tôi chợt nghĩ, làng Đăk Sao này giống như tiền đồn gác cửa, án ngữ các lối vào, ngày đêm miệt mài canh giữ rừng vậy.
Như “đọc” được suy nghĩ trong tôi, già làng A Nghị cười vui: Người Ka Dong rất trọng rừng, quý rừng. Đất và rừng của làng là 2 thứ thiêng liêng, không ai được tự ý xâm phạm, không ai được làm ô uế, nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng. Qua thời gian, truyền thống gắn bó với rừng càng được giữ gìn như giữ bếp than đỏ lửa trong mỗi ngôi nhà của người Ka Dong ấy.
Xưa kia, muốn đẵn cây lấy gỗ làm nhà, phải lựa cây già nhất và cứng cáp nhất, lựa cây không còn cho trái nảy mầm. Đi săn con thú, đường tên phải nhắm hướng con nai không có chửa; đi bắt con cá dưới suối, phải biết chừa lại những con mang bụng trứng… Bây giờ cũng vậy, dân làng nhận khoán, phối hợp với lực lượng kiểm lâm chia nhau canh rừng, ngủ rừng để bảo vệ từng cây gỗ, từng con thú; từ nhỏ, mỗi người đã được học cách sống hòa hợp với rừng.
Nghỉ lại một đêm, sáng hôm sau, may quá trời hửng nắng, chúng tôi quyết định vào rừng. Đi sau thôn trưởng A Chính mà trong đầu tôi vẫn ong ong lời của Chủ tịch Mậu: Với dân làng Đăk Sao, rừng không những là không gian sinh tồn dưới dạng vật chất mà đó còn là nơi chốn để gửi gắm linh hồn vào các thế lực siêu nhiên. Cuộc sống của bà con luôn gắn với không gian thiêng của rừng...
Diện tích rừng do dân làng Đăk Sao nhận khoán bảo vệ từ Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham khoảng 380ha, được chia thành từng khu rất rõ ràng. Chúng tôi hướng đến khu Rừng cúng (Neng Ngọc) và khu Rừng thiêng (Neng Cà rá) nằm phía bắc và phía tây của làng, trên 2 ngọn núi Vắc Piêu và Vắc Sang, là nơi tổ chức các nghi lễ cúng thần rừng, cúng thần nước, thần đất.
Theo truyền thuyết, những cánh rừng đó là nơi thần linh ngự trị, người dân tin rằng nếu ai vô tình hay hữu ý có hành vi xâm hại thì những rủi ro sẽ dội xuống dân làng với trận lũ lụt hay sự tàn phá mùa màng và gia súc bởi muông thú.
Đi bộ chưa đầy 200m từ nhà rông là chúng tôi đã chạm vào không gian rừng nguyên sinh với lao xao tiếng lá, tiếng suối chảy, tiếng chim hót, trái với hình dung về không gian âm u, tĩnh lặng, kỳ bí khó tả của một khu rừng thiêng.
|
Đêm qua nghe già làng A Nghị kể, tại đây, hàng năm dân làng vẫn duy trì lễ cúng thần rừng và lễ cúng thác thiêng vào khoảng cuối tháng 1, đầu tháng 2 Dương lịch (lễ cúng rừng tổ chức trước vào dịp Tết Nguyên đán, sau đó làm lễ cúng thác nước thiêng).
Vừa bước trên thảm lá mục xôm xốp nguyên sơ như chưa từng có người đặt chân đến, già A Đí (một trong những người dẫn đường) vừa chỉ cho tôi xem những cây thông nàng, pơ mu, dổi... Toàn là cổ thụ chọc trời. Quy định của làng không chỉ cấm chặt cây mà còn cấm tuyệt đối hoạt động săn bắt vượn, khỉ. Dân làng có thể lấy thuốc nam để chữa bệnh và bẫy những thú nhỏ trong rừng để làm thức ăn - già làng A Đí cho biết.
Đang đi, chợt A Chính dừng lại, giơ tay làm dấu hiệu cho chúng tôi yên lặng. Đã được dặn trước nên tôi không bất ngờ và biết mình chuẩn bị được đón một điều kỳ thú nhất từ trước đến nay: nghe vượn hú.
Theo miêu tả của A Nghị thì đó có thể là loài voọc chà vá chân xám quý hiếm, hiện có khoảng 10 cá thể sinh sống trong khu rừng thiêng này. Ngày xưa, người già thường dựa theo tiếng hú của chúng để đoán điềm lành, điềm gở cho làng. Nếu tầm 10 - 11h mà nghe tiếng hú của chúng, thì ắt trong làng có thể sẽ có thể có điềm dữ, chẳng hạn sẽ có người ra đi, nhưng nếu nghe ban đêm thì làng sẽ bình yên.
Còn bây giờ thì dân làng đã biết, loài linh trưởng này thích hú giữa buổi sáng, mà hú theo bầy, khi trời đẹp chúng vừa nô đùa, bẻ lá kiếm ăn vừa hú chứ không phải mang điềm gở đâu. Nhưng dù vậy, dân làng vẫn sợ, vẫn bảo vệ nó như những đứa con của thần rừng- A Chính cười cười.
Nằm xa làng và ở một góc khuất giữa 2 ngọn núi Vắc Già, Vắc Ngọc Lúi là khu Rừng ma - gồm 2 khu riêng biệt: nơi yên nghỉ của trẻ và nơi yên nghỉ của người lớn. Theo già A Đí, sự sắp đặt của làng như vậy mang ý nghĩa bảo vệ con trẻ khỏi sự quấy rối của những linh hồn người đã khuất.
Trong khu rừng này dân làng không tổ chức các nghi lễ cúng, nhưng được bảo vệ nghiêm ngặt, cấm tuyệt đối các hành vi phá hoại hoặc ô uế để linh hồn người đã khuất được thanh thản, phù hộ cho con cháu, dân làng bình yên.
Xung quanh Rừng ma, người dân của làng vẫn tổ chức các hoạt động sản xuất bình thường. Điều đó mang ý nghĩa duy trì một không gian gần gũi giữa người đang sống và những người đã ra đi.
Mặt trời lên cao, những tia nắng lọt qua tán cây rậm rịt. Cây ở sau lưng, cây ở trước mặt, cây ở bên phải, cây ở bên trái; nhìn trên đầu, trên núi, dưới vực cũng là cây. Khi chúng tôi mồm mũi tranh nhau thở, mồ hôi đầm đìa lưng áo, bước chân của già A Đí, trưởng thôn A Chính vẫn đều đặn, tăm tắp giữa cánh rừng già. A Chính bảo: Ngày nào cũng đi như vậy, miết miết nên quen thôi, ngày nào không đi lại thấy nhớ…
Còn già A Đí, nhà ngay sát rừng, nhưng chưa bao giờ người nhà ông tự ý vào chặt cây, đám trẻ trong nhà chỉ vào bìa rừng nhặt những cành đã khô hoặc bị rơi rụng xuống đất về làm củi. Riêng ông thì ngày nào cũng vào rừng tuần tra, để xem cây rừng cùng những loài động vật có xáo động gì không, có người lạ vào rừng không, có tiếng cưa không.
Và tôi nhận ra rằng, phía sau câu chuyện ấy, là tình yêu rừng, là tấm lòng bền chặt của người Ka Dong làng Đăk Sao đối với rừng, dù chủ rừng thực sự là ai đi chăng nữa thì họ vẫn bảo vệ rừng bằng tín ngưỡng, bằng niềm tin và trách nhiệm truyền từ bao đời.
Đó cũng là đáp án cho câu hỏi vì sao rừng Đăk Sao vẫn an toàn, vẫn xanh tươi, vẫn hoang sơ đầy huyền bí như vậy trước cơn lốc xoáy kim tiền!
Thành Hưng