Kon Plông: Hành trình để cây cà phê xứ lạnh bám rễ
Sau 4 năm thực hiện đề án phát triển cây cà phê xứ lạnh, loại cây trồng này đã thực sự bám rễ trên vùng đất Kon Plông với diện tích không ngừng được mở rộng, sản lượng không ngừng được tăng lên. Và loại cây trồng này đang mở ra hướng làm giàu cho người dân trên địa bàn huyện.
Đề án phát triển cây cà phê xứ lạnh được khởi động tại huyện Kon Plông từ năm 2014. Từ 30,5ha ban đầu với hơn 100 hộ tham gia trồng, đến nay, diện tích cây cà phê theo đề án đã là 238,95ha với 818 hộ. Ngoài ra, sau khi đề án triển khai, thấy cây cà phê phát triển tốt, hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất Kon Plông, các hộ dân trên địa bàn đã tự đầu tư mở rộng diện tích, đưa tổng diện tích cà phê xứ lạnh của toàn huyện lên mức gần 700ha.
|
Hiện nay, diện tích cây cà phê trồng từ năm 2014, 2015 đã cho thu hoạch, năng suất quả tươi đạt trung bình 92,92 tạ/ha. Với mức giá bán bình quân từ 6.500 – 7.500 đồng/kg, bình quân mỗi héc ta cà phê người dân cũng có thu nhập từ 50 – 60 triệu đồng. So với các loại cây trồng thông thường như mì, bắp, lúa thì thu nhập từ cây cà phê vượt trội hơn hẳn nên người dân Kon Plông ngày càng tin tưởng và gắn bó với loại cây này.
Đến thăm vườn cà phê nhà A Vương (thôn Đăk Tăng, xã Đăk Tăng), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi A Vương vạch từng tán lá xanh rì khoe những cành cà phê trĩu quả sát gốc: Năm 2014, mình trồng được 5 sào, năm ngoái cho thu bói, năm nay thu chính thức rất nhiều quả. Cây cà phê ở đây hợp đất, hợp nước hay sao mà quả mọng, nhân to, đều quả. Mình không thu ồ ạt mà chín đến đâu thu đến đó, vụ này chắc phải được hơn 6 tấn quả tươi. Thấy cà phê cho hiệu quả kinh tế cao nên mình lại dành dụm đầu tư, giờ nhà mình có cả thảy hơn 1ha rồi.
Ở Kon Plông, những gia đình có 5 - 7 sào cà phê bây giờ rất phổ biến; thậm chí nhiều gia đình có tới vài héc ta. Tuy nhiên, đây là một loại cây trồng mới, xa lạ với đồng bào DTTS nên để cây cà phê có thể bám rễ, xanh cây ở huyện vùng sâu Kon Plông là một quá trình dài với nhiều nỗ lực từ chính quyền địa phương. Cùng với đó là sự thay đổi từng bước trong nhận thức của người dân.
Theo đó, hàng năm UBND huyện Kon Plông thường xuyên chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp UBND các xã tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân trồng và chăm sóc cây cà phê. Từ năm 2014 – 2017, mỗi xã đã tổ chức 75 cuộc họp thôn để tuyên truyền vận động về chính sách hỗ trợ phát triển cây cà phê; trong đó, tập trung phân tích về quyền lợi, trách nhiệm của hộ gia đình khi tham gia đề án trồng cà phê xứ lạnh.
Ngành Nông nghiệp và các địa phương chú trọng vận động các hộ nghèo có đất, có sức lao động, có nguồn phân hữu cơ thực hiện trước. Cán bộ kỹ thuật xuống tận nơi hướng dẫn các hộ dân đào hố, trồng, làm cỏ, bón phân, làm rào bảo vệ và thường xuyên thăm vườn để phát hiện, xử lý kịp thời sâu bệnh gây hại trên cây cà phê. Từ đó, người dân ngày càng hiểu và tích cực tham gia trồng, chăm sóc vườn cà phê.
Bên cạnh đó, huyện Kon Plông cũng đã có chính sách hỗ trợ thiết thực về phân bón, giống cây trồng cho hộ nghèo để họ có động lực đưa loại cây trồng này vào canh tác.
Trong 4 năm qua, huyện đã thực hiện hỗ trợ cho người dân 163.710kg phân NPK 20-15-20, 57.670kg phân urê, 405kg phân đạm xanh, 43.253kg phân kali, 264.100kg phân lân, 238.950kg vôi bột, 955,8kg thuốc xử lý mối.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh và UBND các xã Hiếu, Pờ Ê, Đăk Long, Măng Bút, Măng Cành, Đăk Tăng hỗ trợ 1.254.488 cây giống cà phê; trong đó có 1.060.238 cây cà phê Catimor F7 , 194.250 cây giống TN1.
Công tác hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho người dân cũng được huyện Kon Plông đặc biệt coi trọng. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hướng dẫn các xã thành lập các tổ hợp tác ở tại các thôn để thu mua quả cà phê cho nhân dân nhằm tránh tình trạng các tư thương từ nơi khác đến thu mua ép giá quả cà phê của nhân dân; thu mua cà phê xanh.
|
Công ty TNHH MTV Cà phê Nguyên Huy Hùng, Công ty TNHH Đầu tư xuất nhập khẩu Cao Nguyên cũng đã cam kết thu mua sản phẩm cho người dân theo giá trị trường nhưng đảm bảo không dưới mức giá sàn là 7.000 đồng/kg.
Ngoài ra, Hợp tác xã nông lâm nghiệp và dịch vụ Măng Bút cũng đã tiến hành thu mua quả cà quê của nhân dân xã Măng Bút và Đăk Tăng với giá trung bình 6.500đồng/kg.
Với những việc làm thiết thực, hiệu quả của huyện Kon Plông, hành trình phát triển cây cà phê xứ lạnh ở nơi đây đang có những bước đi vững chắc. Chất lượng và sản lượng cà phê ngày càng được mở rộng và nâng cao để cứ mỗi mùa về, cà phê Kon Plông lại sai trĩu cành, đỏ thắm trên những vùng quê…
Hương Nga