Kon Plông vào vụ mới
Những ngày này, các địa phương trên địa bàn huyện Kon Plông đều đang hối hả làm đất, xuống giống gieo trồng vụ lúa mới. Bà con đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện phấn đấu hoàn thành việc sản xuất trong khung thời vụ tốt nhất với hy vọng sẽ mang về một vụ mùa thắng lợi.
Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông, tổng diện tích lúa vụ mùa của toàn huyện vào khoảng 3.100 ha. Đây là vụ sản xuất chính của người dân huyện Kon Plông bởi đồng bào DTTS trên địa bàn hầu như chỉ cấy một vụ lúa trong năm. Chính vì vậy, mọi phần việc từ làm đất, chọn giống, đến gieo trồng...được cả ngành Nông nghiệp và người dân chú trọng.
Ông Võ Đình Viết - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông cho biết: Do đặc điểm khí hậu của huyện Kon Plông khá lạnh nên khó trồng được 2 vụ lúa. Ruộng của bà con phần lớn lại là ruộng bậc thang, nguồn nước chủ yếu dựa vào tự nhiên từ sông, suối, khe núi chảy xuống nên hầu như cũng chỉ đảm bảo cung cấp nước tưới cho một mùa lúa. Tuỳ thuộc vào chân đất, khí hậu từng nơi và nguồn nước mà người dân có thể xuống giống gieo cấy sớm hay muộn. Nhưng thường là tháng 3 người dân sẽ tiến hành gieo mạ và tháng 4 sẽ cấy lúa để đảm bảo đến khi lúa trổ bông sẽ tránh được không khí lạnh hoặc nguy cơ thiếu nước vào cuối vụ làm ảnh hưởng đến năng suất.
Canh tác lúa trên ruộng bậc thang, ruộng ven suối nên đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện Kon Plông rất chú trọng đến khâu làm ruộng như đắp bờ, chuẩn bị đất, vệ sinh đồng ruộng...
|
Theo đó, từ sau Tết Nguyên đán, bà con đã chủ động lấy nước dẫn vào ruộng để ngâm đất và tiến hành gia cố bờ ruộng. Đồng bào các DTTS nơi đây biết dẫn nước từ vùng cao về vùng thấp một cách khoa học nên các thửa ruộng dù ở trên cao hay dưới thấp đều đủ nước. Việc đắp bờ ruộng được người dân rất chú trọng, đầu tiên là vạc bờ cho sạch cỏ, xới đất sát chân bờ ruộng rồi làm cho đất mềm nhão để lấy đất đắp thành bờ thật chặt, xoa cho phẳng lỳ. Khâu này có thể được làm đi làm lại tới vài lần, nhất là với những chân ruộng mới mở, các gia đình thường dùng cọc đóng xuống đất, đan phên tre, nứa cắm xuống rồi mới đắp đất tạo bờ để có được những bờ ruộng chắc chắn và đảm bảo việc giữ nước. Sau đó, người dân mới bắt tay vào cày, cuốc, bừa đất...
Cũng theo ông Võ Đình Viết, việc làm ruộng kỹ càng sẽ giúp cải tạo độ phì nhiêu của đất, khi cấy lúa xuống bộ rễ sẽ phát triển tốt, đồng thời sẽ tạo ra khoảng trống về thời gian để cắt dòng lưu truyền của một số loại sâu bệnh. Thế nên, từ đầu tháng 2, bà con các nơi trong huyện đã túc tắc làm đất, đến lúc cấy, ruộng nào đất cũng mềm, sạch cỏ tạo thuận lợi cho cây lúa bén rễ và lên nhanh.
Trước đây, người dân chủ yếu làm ruộng bằng phương pháp thủ công đó là dùng cuốc, cào làm đất; có nơi dùng trâu dẫm ruộng. Nhưng bây giờ, đồng bào ở đây đã biết sử dụng các loại máy cày nhỏ, dùng trâu, bò để cày bừa, làm đất; chỉ những thửa ruộng quá nhỏ hẹp, người dân mới làm thủ công... Nhờ thế, việc làm ruộng đã nhàn hơn, tốn ít công hơn mà hiệu quả lại cao hơn so với trước đây.
Phương thức canh tác truyền thống là gieo mạ rồi mới cấy vẫn được đa số người dân trên địa bàn huyện Kon Plông áp dụng. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, ở một số địa phương như Đăk Long, Măng Cành, Măng Bút, Pờ Ê, người dân cũng đã từng bước làm quen với việc sạ lúa. Đây có thể coi là cuộc cách mạng trên đồng ruộng và đang được ngành Nông nghiệp huyện khuyến khích, tích cực hướng dẫn người dân về mặt kỹ thuật để tiếp tục nhân rộng.
Trong cơ cấu giống, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với chính quyền các địa phương hướng dẫn người dân tích cực đưa các giống lúa mới có khả năng chịu lạnh, thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao và chống chịu sâu bệnh tốt vào canh tác, hạn chế sử dụng các loại giống cũ, giống để qua nhiều vụ. Vụ mùa này, những giống lúa lai và lúa thuần mới như: IR 64, DR2; Xi 23, IR 56279, VND 95-20, ĐV 108... được người dân sử dụng khá phổ biến.
Thực tế cho thấy, sản xuất nông nghiệp nói chung và việc canh tác lúa nói riêng trên địa bàn huyện Kon Plông những năm trở lại đây đã có nhiều chuyển biến tích cực do nhận thức của người dân đã được nâng lên cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền và ngành Nông nghiệp. Từ đó đã nâng cao năng suất, sản lượng lương thực trong các mùa vụ, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn.
Với sự chỉ đạo sát sao của các phòng ban chuyên môn, sự chủ động của bà con nông dân trong sản xuất, chắc chắn sản xuất vụ mùa này của huyện Kon Plông sẽ hoàn thành đúng kế hoạch. Đây là bước khởi đầu quan trọng để mang lại một vụ lúa bội thu cho người dân.
Thiên Hương