Kon Plông: Hỗ trợ trâu, bò sinh sản cho hộ nghèo
Được hỗ trợ vốn mua trâu, bò sinh sản lại được hướng dẫn làm chuồng trại ổn định, nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện Kon Plông đã xác định được hướng phát triển kinh tế gia đình, từng bước thoát nghèo bền vững.
Hỗ trợ cần câu, con cá
Hôm chúng tôi đến cũng là lúc anh A Têm ở làng Kon Ke 1, xã Đăk Long, huyện Kon Plông đội mưa đi thả trâu về. Dù cơn mưa nặng hạt khiến đôi môi trở nên tím tái nhưng anh Têm như nở hoa trên mặt khi chúng tôi hỏi về đàn trâu của mình. Anh phấn khởi: Vừa rồi được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng, tôi mạnh dạn vay thêm 8 triệu đồng cộng với 3 triệu đồng gom góp được, tôi mua một con trâu về nuôi. Vợ chồng tôi chăm sóc kỹ lắm nên trâu nhanh lớn, nay mai chắc đẻ thôi.
Anh Têm chỉ là một trong số hàng trăm hộ nghèo trên địa bàn huyện Kon Plông được hỗ trợ trâu, bò sinh sản giúp cho hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Ông Võ Đình Viết - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kon Plông cho biết: Từ nguồn vốn Chương trình 135/CP, dự toán ngân sách nhà nước và nguồn vốn 30a, huyện hỗ trợ 10 triệu đồng/1 hộ nghèo với điều kiện hộ nghèo đối ứng thêm vốn để mua trâu hoặc bò. Bắt đầu triển khai từ năm 2014, tính đến nay, chúng tôi đã hỗ trợ cho 912 hộ (năm 2014 là 457 hộ và 2015 là 455 hộ) mua trâu, bò sinh sản.
Ngay khi nhận được kế hoạch triển khai, UBND các xã đã tập trung tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân biết, vận động nhân dân tham gia. Như xã Đăk Tăng, ngay khi nhận được thông báo, xã đã tổ chức rà soát hộ nghèo chưa có trâu, bò để chăn nuôi và chưa được hỗ trợ từ các chương trình, dự án khác. Xã cũng tổ chức họp thôn thông báo công khai điều kiện để được hỗ trợ, đồng thời hướng dẫn người dân vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để có vốn đối ứng, mua trâu, bò. “Trong năm 2015, chúng tôi đã giải ngân 140 triệu đồng hỗ trợ 14 hộ nghèo đủ điều kiện để mua trâu, bò, đạt 100% kế hoạch đưa ra” – ông Đoàn Xuân Trọng - Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng cho hay.
Cùng với việc hỗ trợ vốn đê hộ nghèo mua trâu, bò sinh sản, UBND huyện còn hỗ trợ mỗi hộ nghèo 2 triệu đồng để làm chuồng trại ổn định. Tuy nhiên, với số tiền 2 triệu đồng không thể xây dựng chuồng trâu chắc chắn, mái có tôn, nền cứng nên huyện khuyến khích các hộ dân gần kề làm chuồng chăn nuôi trâu chung theo thiết kế mẫu của Sở NN&PTNT để tiết kiệm chi phí. “Hiện tại, xã tôi có 5 chuồng trâu chung được lợp mái tôn, nền xi măng, xung quanh được đóng kín, cẩn thận, giữ ấm khi trời lạnh. Có chuồng trại ổn định, nên số trâu được hỗ trợ rất đảm bảo” – anh A Sắp - Phó Chủ tịch UBND xã Pờ Ê chia sẻ.
|
Không chỉ hỗ trợ vốn mua trâu, bò đến từng hộ nghèo, để đảm bảo chất lượng, huyện Kon Plông còn chỉ đạo Trạm thú y của huyện nghiệm thu, kiểm tra đủ điều kiện thú y trước khi cho nhập đàn, đồng thời tổ chức tiêm phòng định kỳ và đột xuất nếu như trâu, bò bị bệnh.
Đặc biệt, tháng 9/2015, UBND huyện Kon Plông đã giao cho Trạm Khuyến nông huyện làm cây rơm mẫu tại các thôn để giúp bà con biết cách phơi, chất rơm, lấy rơm trữ thức ăn cho trâu, bò trong mùa đông. Chị Nguyễn Thị Thức – Trưởng Trạm khuyến nông huyện Kon Plông cho biết: Trên địa bàn huyện, diện tích lúa nước, lúa rẫy rất nhiều, tuy nhiên sau khi thu hoạch, hầu như bà con vứt bỏ toàn bộ rơm mà không biết cách làm cây rơm, trữ rơm để làm thức ăn cho trâu, bò vào những ngày giá rét. Do vậy, chúng tôi đã đến các thôn, hỗ trợ, hướng dẫn cách thức làm cây rơm, đảm bảo mỗi thôn đều có 1-3 cây rơm làm điểm. Và, chính việc huyện hỗ trợ xây dựng chuồng trại kiên cố, làm cây rơm dự trữ thức ăn đã giúp cho đàn trâu, bò trên địa bàn huyện không bị chết vì đói, rét trong những ngày lạnh giá này. Chúng tôi cũng phấn đấu trong năm 2016, tất cả các hộ dân trên địa bàn huyện có trồng lúa đều làm cây rơm.
Cơ hội thoát nghèo
Được hỗ trợ vốn để mua trâu, bò, người dân còn được hỗ trợ kĩ thuật chăn nuôi, làm chuồng trại ổn định, được hướng dẫn cách dự trữ thức ăn, giữ ấm cho trâu, bò trong mùa lạnh nên nhìn chung số trâu, bò sinh sản huyện hỗ trợ trong 2 năm qua sinh trưởng tốt, đẻ thêm bê, nghé, giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo.
Như anh A Têm - một trong những hộ nghèo tại xã Măng Bút, năm 2015, được hỗ trợ 10 triệu đồng, anh liền đối ứng thêm vốn để mua trâu. Hiện tại, cùng với đàn trâu của gia đình, con trâu mới mua về lớn rất nhanh. “Những ngày lạnh này, đàn trâu nhà mình nhốt lại, có chuồng trại giữ ấm, có rơm cho trâu ăn, mình không còn lo lắng nhiều nữa. Sang năm, con trâu mới được hỗ trợ này sẽ đẻ thôi” – anh Têm phấn khởi.
Cũng như anh A Têm, anh A Lốc ở làng Vi Ktàu, xã Pờ Ê được hỗ trợ 10 triệu đồng để mua trâu sinh sản. Hôm chúng tôi đến, anh liền dẫn ra xem chuồng trâu chung của các hộ nghèo trong thôn. Chỉ vào 2 con trâu, 1 trâu mẹ, 1 trâu con mập mạp đang nằm rồi phấn khởi nói: Mình được hỗ trợ mua trâu mẹ, vừa rồi trâu mẹ mới đẻ lứa đầu tiên, mình mừng lắm.
Nhờ việc làm chuồng, trại chung, bà con nuôi trâu chung còn biết cách chia nhau ra đi chăn trâu để tiết kiệm nhân công. Đặc biệt, trước đây, bà con không biết cách sử dụng phân chuồng thì nay qua việc làm chuồng, được cán bộ hướng dẫn trữ rơm, bà con đã biết ủ phân, sử dụng phân bón cho cây lúa, hoa màu.
“Từ lúc có trâu, mình có thêm động lực để làm ăn. Vừa rồi, mình mới được thoát khỏi hộ nghèo đấy, gia đình mình mừng lắm. Mình sẽ chăm sóc trâu thật tốt, trồng thêm lúa, thêm mì để kinh tế gia đình vững vàng hơn” – anh A Lốc vui mừng cho hay.
Anh A Thông ở thôn Vik Klâng 1, xã Pờ Ê cũng vậy, từ một hộ nghèo, nhờ được hỗ trợ vốn mua thêm 1 con trâu (trước đó anh có 2 con), nay anh đã gầy đàn có 7 con trâu. Anh cho biết, trước đây anh thường nhốt trâu ở bên ngoài, không chuồng trại, không có mái che nên trâu bị lạnh, chết. 2 năm trở lại đây, được hướng dẫn, anh cùng với 6 hộ trong làng cùng làm chuồng, nuôi chung, nhờ vậy, đàn trâu của anh luôn khỏe mạnh. Anh nói, con trâu là đầu cơ nghiệp, giúp gia đình anh vươn lên thoát khỏi đói nghèo.
Với mục tiêu đưa giống vật nuôi có giá trị kinh tế, phù hợp với từng vùng vào chăn nuôi trên địa bàn, huyện Kon Plông đã có nhiều cách làm hay như: hỗ trợ trâu, bò cho hộ nghèo, làm chuồng trại tập trung, dự trữ thức ăn cho mùa lạnh... “Trong năm 2016 này, chúng tôi tiếp tục đề nghị các xã rà soát và phân bổ vốn cho những hộ nghèo, có khả năng đối ứng nhưng chưa được hỗ trợ vốn để mua trâu, bò sinh sản. Qua đó, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết 05 của Ban Thường vụ Huyện ủy khóa XVI “Chăm sóc và phát triển, quản lý đàn gia súc”, phát triển đàn gia súc, đem lại cơ hội thoát nghèo cho bà con trên địa bàn huyện” – ông Lê Đức Tín - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết.
Nguyên Phúc - Bình An
ảnh 1: Chuồng trâu chung của các hộ gia đình tại thôn Vi Ô Lăk, xã pờ Ê