Kon Plông: Gian nan thực hiện tiêu chí số 13
Hình thức tổ chức sản xuất là tiêu chí số 13 trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), đây được đánh giá là một trong những tiêu chí quan trọng, có vai trò đầu tàu thúc đẩy KT-XH ở các địa phương. Song ở huyện Kon Plông, tiêu chí này lại đang là một khó khăn, thách thức đối với hầu hết các địa phương trên địa bàn.
Tiêu chí khó
Theo thống kê của Ban chỉ đạo chương trình xây dựng NTM huyện Kon Plông, toàn huyện mới chỉ có 2 xã là Đăk Long và Măng Cành hoàn thành được tiêu chí số 13, 7 xã còn lại đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện.
Nội dung của tiêu chí số 13 đã nêu rõ, để đạt tiêu chí này, mỗi xã phải có ít nhất một hợp tác xã (HTX) hay tổ hợp tác (THT) hoạt động hiệu quả; số hộ nông dân tham gia là xã viên và có góp vốn, chiếm 50% tổng số hộ nông dân trên địa bàn; để từ đó giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
|
Ngoài ra, theo quy định, 1 HTX hiệu quả phải thực hiện được 3 dịch vụ cơ bản là thuỷ lợi, cung cấp cây trồng, con giống và tiêu thụ nông sản; hoạt động ổn định, làm ăn có lãi trong 3 năm liên tiếp.
Đến thời điểm hiện tại, ở Kon Plông hầu như chưa có HTX, THT nào thoả mãn được trọn vẹn các yêu cầu này nên ngay cả những địa phương đã hoàn thành tiêu chí này cũng vẫn còn gượng ép.
Ông Võ Đình Viết – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kon Plông cho biết: Đa số các xã trên địa bàn huyện cũng đều đã có THT, nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh còn mang tính chất manh mún, lợi nhuận ít, hiệu quả hoạt động không cao, chưa tạo được việc làm cho lao động tại các địa phương nên chưa đáp ứng được tiêu chí NTM.
Theo ông Viết, việc thành lập các HTX, THT không khó, nhưng để duy trì hoạt động có hiệu quả thì vô cùng khó. Tiêu biểu, trước đây, tại xã Hiếu đã có 1 HTX cá tầm được thành lập, nhưng chỉ sau một thời gian hoạt động do làm ăn không thuận lợi, đầu ra cho sản phẩm bấp bênh, lợi nhuận thấp nên HTX này đã ngừng hoạt động gần 2 năm nay.
“Hay như hiện tại, trên địa bàn xã Đăk Long cũng đang có 1 HTX cá tầm, cá hồi hoạt động, thế nhưng, thực tế hoạt động của HTX này cũng không được như mong đợi, nếu không muốn nói đang rất khó khăn, bế tắc. Nguyên nhân do sản phẩm làm ra giá thành cao, sức cạnh tranh yếu, đầu ra lại không ổn định nên hiệu quả kinh tế đạt thấp” - ông Viết cho hay.
Rào cản lớn nhất khiến cho các HTX, THT khó tồn tại chứ chưa nói đến làm ăn có hiệu quả là khâu giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, ngoại trừ HTX Rau hoa xứ lạnh thanh niên Măng Đen đã hình thành chuỗi liên kết từ sản phẩm đến tiêu thụ sản phẩm tương đối bài bản, còn lại hầu hết các HTX hiện tại hầu như chỉ mới thực hiện được khâu làm ra sản phẩm, còn khâu đầu ra cho sản phẩm vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái nên thị trường tiêu thụ không ổn định, gía cả bấp bênh.
Bên cạnh đó, thực tế ở Kon Plông, đa số người dân trên địa bàn huyện là đồng bào DTTS, quen với kiểu canh tác tự phát nên chưa thực sự quan tâm, mặn mà với việc tham gia vào mô hình kinh tế HTX hay THT.
Chẳng hạn như ngay tại xã điểm Pờ Ê, đến nay, xã đã hoàn thành được 15/19 tiêu chí NTM; trong 5 tiêu chí còn lại thì theo ông Nguyễn Đức Thọ - Chủ tịch UBND xã, tiêu chí số 13 thực sự là tiêu chí khó đối với địa phương. Xã cũng đã nghĩ đến việc vận động người dân xây dựng một THT, một mặt vừa đảm bảo sự ổn định trong tiêu thụ, giá cả sản phẩm cho người dân, mặt khác khi xây dựng được hình thức tổ chức sản xuất như vậy sẽ giúp xã hoàn thành được tiêu chí số 13 trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM.
“Tuy nhiên, việc vận động người dân tham gia vào lĩnh vực kinh tế này ở xã còn gặp rất nhiều khó khăn do sản xuất của người dân trong xã chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ, tự phát; người dân chưa hiểu và cũng không muốn tuân theo những quy định chặt chẽ khi tham gia vào mô hình kinh tế tập thể tiên tiến. Thế nên, đến nay, xã vẫn chưa xây dựng được mô hình THT hay HTX nào” - ông Thọ trăn trở.
Dồn sức thực hiện
Dù gặp nhiều khó khăn; nhưng huyện Kon Plông đã xác định HTX, THT là đầu tàu kinh tế trong NTM, việc thực hiện tiêu chí số 13 là nền tảng để thực hiện nhiều tiêu chí như thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên...
Bởi, nếu xây dựng được THT hay HTX hoạt động có hiệu quả, tức là làm ăn giỏi, kinh tế phát đạt, đời sống của tổ viên và thành viên HTX, THT không ngừng được nâng cao; từ đó mới có thu nhập cao, có khả năng đóng góp xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất và đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Do đó, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với các ngành, các cấp tuyên truyền về xây dựng NTM nói chung cũng như kinh tế hợp tác nói riêng để từng bước giúp người dân hiểu và tham gia vào lĩnh vực kinh tế này.
|
Bên cạnh đó, huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi, đưa những cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển THT, HTX đến gần hơn với người dân, từ đó giúp người dân yên tâm tham gia vào kinh tế hợp tác và đó cũng là điều kiện tiên quyết để các xã sớm hoàn thành tiêu chí 13.
Theo đó, đối với những địa phương đã có các HTX, THT, các ngành chức năng của huyện sẽ tiếp tục định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ để các HTX, THT đi đúng hướng, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động để đáp ứng được chuẩn NTM.
Đặc biệt, đối với từng vùng, từng địa phương, huyện đã đề ra các giải pháp tập trung các nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ và vận động nhân dân xây dựng vùng chuyên canh gắn với các HTX, THT. Tiêu biểu, vận động nhân dân tập trung sản xuất rau, hoa, quả ở 2 xã Đăk Long và Măng Cành; trồng các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế như sâm dây, sơn tra, cốt toái bổ, lúa gạo đỏ...ở các xã Măng Bút, Đăk Long, Măng Cành; trồng cà phê, keo lai ở Pờ Ê, Ngọc Tem, Đăk Ring...
Đồng thời, huyện cũng tích cực kêu gọi, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX sản xuất, chế biến ra các sản phẩm từ gạo đỏ, chuối rừng, sâm dây, sim và một số loại dược liệu; tăng cường thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với kinh tế tập thể về thuế, đất đai, tín dụng... nhằm tạo điều kiện cho các HTX, THT tham gia vào chương trình, dự án phát triển KT-XH.
Với mục tiêu nơi nào thuận lợi thì làm trước, nơi nào khó làm sau; xã nào đã đạt được nhiều tiêu chí NTM rồi thì sẽ ưu tiên thực hiện các mô hình kinh tế tập thể; huyện Kon Plông đang từng bước giải quyết những khó khăn, vướng mắc về tiêu chí số 13 một cách vững chắc.
Hương Nga