Kon Plông: Chủ động phòng ngừa phá rừng trồng cây lâm nghiệp
Huyện Kon Plông là địa bàn giáp ranh huyện Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ (Quảng Ngãi) đang phát triển mạnh cây lâm nghiệp, nhất là cây keo. Để phòng ngừa, thực hiện sự chỉ đạo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Hạt Kiểm lâm huyện chủ động triển khai các biện pháp ngăn ngừa người dân phá rừng trái phép lấy đất trồng keo.
Trong những năm gần đây, khi tuyến đường Đông Trường Sơn, tỉnh lộ 675… mở ra, việc giao thương của người dân huyện Kon Plông với các huyện Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ (Quảng Ngãi) thuận lợi. Người dân ở các xã Đăk Nên, Ngọc Tem, Đăk Ring, Hiếu, Pờ Ê… thường trồng các loại cây lâm nghiệp (keo lai) bán cho các thương lái từ Quảng Ngãi lên thu mua.
Trên thực tế, cây keo được xem là cây trồng giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Tuy nhiên, việc phát triển cây keo phải đòi hỏi đi đôi với việc phòng ngừa người dân phá rừng lấy đất trồng keo.
Để tìm hiểu công tác phòng ngừa người dân phát rừng trồng cây keo, chúng tôi về xã Ngọc Tem. Ông Đinh Hồng Quê (thôn 7) cho biết, ở thôn có nhiều hộ trồng keo lai bán cho các đầu nậu ở huyện Sơn Tây lên thu mua. Cây keo phù hợp với khí hậu địa phương nên sinh trưởng tốt. Trồng keo chỉ sau vài năm là có thể bán thu tiền. Khi thu hoạch keo, bà con dọn đốt vườn trồng lại mì trên đất trồng keo. Trồng mì trên đất trồng keo cho nhiều củ, người dân ai cũng thích. Gia đình cũng vừa bán vườn keo thu 4 triệu đồng.
|
Khẳng định thêm lời ông Đinh Hồng Quê, ông A Hồng (thôn 7) bộc bạch: Người dân ở đây ai cũng trồng keo, gia đình tôi trồng 4 sào keo. Tuy nhiên, người dân chỉ trồng keo trên đất nương rẫy trồng mì bạc màu, không dám phá rừng tự nhiên. Phá rừng là vi phạm pháp luật, chính quyền nghiêm cấm.
Cũng tại xã Ngọc Tem, chúng tôi gặp ông Đinh Minh Đìm - Phó bí thư Chi bộ thôn Đăk Nót. Ông Đìm nói rằng, thực hiện chủ trương của cấp ủy và chính quyền địa phương, Chi bộ phối hợp với thôn trưởng thôn Đăk Nót tuyên truyền, vận động người dân không phát rừng lấy đất trồng cây lâm nghiệp. Người dân trong thôn không phá rừng, bà con chỉ trồng cây keo trên nương rẫy cũ.
“Gia đình tôi cũng như người dân trong thôn không phá rừng. Nếu gặp người ngoài vào xúi giục phát rừng lấy đất trồng keo, thôn sẽ báo chính quyền địa phương kịp thời xử lý” - ông Đìm quả quyết.
Theo ông Đỗ Văn Hạ - kiểm lâm địa bàn xã Ngọc Tem, trước việc người dân phát triển mạnh cây lâm nghiệp, khả năng phá rừng trong thời gian đến rất dễ xảy ra. Thực hiện sự chỉ đạo của Hạt Kiểm lâm huyện, vào đầu mùa khô, kiểm lâm địa bàn tham mưu xã triển khai các biện pháp phòng ngừa như: phối hợp với các chủ rừng và các xã vùng giáp ranh xây dựng quy chế phối hợp, trao đổi thông tin cho nhau, tăng cường công tác tuần tra, tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân bảo vệ, không có những hành vi xâm hại rừng...
Ông Đinh Hồng Quế - Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Tem cho biết, tính đến thời điểm này, người dân trên địa bàn chưa phá rừng tự nhiên lấy đất trồng cây lâm nghiệp. Mặc dù vậy, UBND xã chỉ đạo kiểm lâm địa bàn phối hợp với chủ rừng, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền và tuần tra nhằm ngăn chặn nguy cơ phá rừng trái phép. Khi tuyên truyền, xã cũng nói rõ, nếu ai phá rừng xã sẽ bắt trồng lại rừng và xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Thái Tùng- Hạt phó Hạt Kiểm lâm Kon Plông đánh giá cao những nỗ lực của kiểm lâm địa bàn trong việc tham mưu chính quyền và phối hợp các chủ rừng, các ngành tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức bảo vệ rừng và tuần tra ngăn chặn có hiệu quả các hành vi xâm hại rừng.
Để chủ động hơn nữa việc phòng ngừa trong thời gian đến, Hạt Kiểm lâm huyện tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo các ngành, UBND các xã, các chủ rừng bảo vệ rừng tận gốc và các điểm có nguy cơ xảy ra phá rừng trái phép; đồng thời trực tiếp chỉ đạo kiểm lâm địa bàn tham mưu các xã chủ động phối hợp với các chủ rừng, các ngành, các xã giáp ranh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân bảo vệ rừng, không phát rừng lấy đất làm nương rẫy và trồng cây lâm nghiệp trái phép.
Văn Nhiên