Kinh tế huyện Ngọc Hồi tiếp tục có nhiều chuyển biến
khu vực ngã ba biên giới bị chiến tranh tàn phá nặng nề ngày nào nay đã trở thành vùng kinh tế năng động với những rừng cao su, cà phê xanh ngút mắt, những thị tứ, thị trấn sầm uất...
|
Trong bối cảnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều mặt hàng nông sản sụt giá, khó tiêu thụ, nhưng kinh tế huyện Ngọc Hồi vẫn có nhiều chuyển biến tích cực, các hoạt động giao thương vẫn sôi động và nhộn nhịp.
Ông Trần Văn Chí - Chủ tịch UBND huyện cho biết: So với năm 2013, trong năm 2014 dự kiến tổng giá trị sản xuất của huyện đạt gần 3.600 tỷ đồng, tăng trên 700 tỷ đồng; tỷ trọng ngành thương mại-dịch vụ chiếm 38,41%, tăng 3%; thu nhập bình quân đầu người 24 triệu đồng/năm…
Trên lĩnh vực công nghiệp, giá trị sản xuất ước đạt trên 1.300 tỷ đồng, tăng 23,4%. Hoạt động thương mại, xuất-nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y đạt 137 triệu USD, tăng 25%. Những mặt hàng nhập khẩu là gỗ các loại, mật mía, máy móc các loại...; xuất khẩu là các loại phân bón, sản phẩm từ nhựa, cao su, sắt thép, xi măng, dược phẩm, cây giống…
Trong năm, UBND huyện phối hợp Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thực hiện các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư như giao đất, miễn thuế… để khuyến khích các nhà đầu tư vào địa bàn. Đến nay, Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y đã thu hút được 56 dự án đăng ký đầu tư với số vốn trên 900 tỷ đồng. Các dự án đã giải quyết việc làm cho gần 1.900 lao động, góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, sản lượng lương thực thu được trong năm trên 9.600 tấn, tăng 1.000 tấn. Hai cây trồng chiến lược là cao su phát triển được 7.861ha và cà phê 1.050ha. Trong chăn nuôi, đàn gia súc trên 17.200 con, tăng 1.700 con; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát và dập tắt kịp thời, không phát sinh ra diện rộng.
Trên lĩnh vực lâm nghiệp, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, các chủ rừng phối hợp với các cơ quan chức năng ở tỉnh thực hiện Phương án giải quyết đất chồng lấn, đất lấn chiếm các lâm trường để làm cơ sở bảo vệ tốt tài nguyên rừng và phát triển kinh tế địa phương.
Các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) được huyện chỉ đạo triển khai quyết liệt. Thực hiện Đề án về cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng một số công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, UBND huyện đã lồng ghép các nguồn vốn, tập trung đầu tư trên 20 công trình giao thông nông thôn. Qua khảo sát việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, hiện nay, xã Đăk Nông đã đạt 11 tiêu chí; xã Bờ Y, Đăk Kan đạt 10 tiêu chí; xã Đăk Xú đạt 9 tiêu chí…
Công tác xóa đói giảm nghèo, đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được coi trọng. Thông qua các chương trình phát triển kinh tế và sự lồng ghép các nguồn vốn đầu tư cho công tác giảm nghèo, đời sống của người lao động tiếp tục được nâng lên và có nhiều hộ thoát nghèo.
Bà Y Đoan - dân tộc Xê Đăng, thôn Giang Lố 1 (xã Sa Loong) chia sẻ: Ngày trước nhà tôi khổ lắm, cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm. Được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, tôi được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa, cà phê, cao su và vay vốn để phát triển sản xuất. Nhờ vậy, gia đình tôi phát triển được 10ha cao su, 3ha cà phê, 300 trụ tiêu… Hiện nay, bình quân hàng năm sau khi trừ các chi phí sản xuất, gia đình tôi có thu nhập trên 300 triệu đồng.
Còn bà Y Phan - người Brâu, làng Đăk Mế (xã Bờ Y) thì khẳng định: Nếu không có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, người Brâu không thể có cuộc sống như ngày hôm nay. Từ du canh, du cư sống nay đây, mai đó, người Brâu nay đã định canh, định cư, biết trồng lúa nước, cao su, cà phê, nuôi cá, sử dụng máy móc trong sản xuất… nhiều hộ thoát nghèo, có cuộc sống khá giả.
Theo đánh giá, ngay trong năm nay, mặc dù nhiều mặt hàng nông sản hạ giá, nhưng huyện dự kiến giảm số hộ nghèo từ 1.792 hộ (14,24%) năm 2013 xuống còn 1.442 hộ, chiếm tỷ lệ 11,24%.
Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát HĐND tỉnh, UBND huyện đặt ra nhiệm vụ tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư… bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững, xây dựng huyện trở thành thị xã vào cuối năm 2015.
Văn Nhiên