THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ XIV:
Kinh tế của tỉnh có nhiều chuyển biến
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm của tỉnh đạt tương đối khá (bình quân cho cả giai đoạn 2011-2013 đạt 13,4%/năm và năm 2014 ước đạt 12,62%); thu nhập bình quân đầu người tăng từ 17,3 triệu đồng năm 2010 lên 25,35 triệu đồng năm 2013; tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp tăng từ 56,9% năm 2011 lên 68,31% năm 2013...
|
Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều chuyển biến phức tạp, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, thiên tai, dịch bệnh liên tục xảy ra… tác động không nhỏ đến đời sống người dân trong tỉnh, nhưng dưới sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương Đảng, Chính phủ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực vượt khó, giành được nhiều thành tựu trên lĩnh vực kinh tế.
Theo đánh giá, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu kinh tế đã đặt ra. Chính vì vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm của tỉnh đạt tương đối khá (bình quân cho cả giai đoạn 2011-2013 đạt 13,4%/năm và năm 2014 ước đạt 12,62%); thu nhập bình quân đầu người tăng từ 17,3 triệu đồng năm 2010 lên 25,35 triệu đồng năm 2013.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp-xây dựng và dịch vụ (tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp tăng từ 56,9% năm 2011 lên 68,31% năm 2013; tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm từ 43,11% năm 2011 xuống còn 31,69% năm 2013); giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân giai đoạn 2011-2013 là 7,14%/năm, ước năm 2014 đạt 6,78%.
Các sản phẩm chủ lực trong nông nghiệp được chú trọng phát triển. Đáng chú ý là vùng nguyên liệu giấy và bột giấy đã được phê duyệt quy hoạch, trong giai đoạn 2011-2012 trồng 2.570ha rừng nguyên liệu. Việc nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện Plei Krông đã có doanh nghiệp đầu tư nuôi thâm canh 36 lồng bè. Việc phát triển nuôi cá nước lạnh đã có 3 dự án nuôi cá hồi, cá tầm ở huyện Kon Plông. Việc phát triển rau, hoa xứ lạnh đã có 29 tổ chức, cá nhân đăng ký gắn với du lịch thác Pa Sỹ. Cây sâm Ngọc Linh đã phát triển được 177ha, cao su phát triển được trên 75.000ha và cà phê gần 14.000ha.
Các ngành công nghiệp có lợi thế đã được chú trọng phát triển. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành công nghiệp-xây dựng giai đoạn 2011-2013 đạt 15,67%/năm, ước thực hiện năm 2014 đạt 15,88%. Các vùng kinh tế động lực được đầu tư, phát triển và đang trở thành điểm thu hút các nhà đầu tư, bước đầu đã có tác động lan tỏa đến các địa phương khác trong tỉnh. Hệ thống thương mại - dịch vụ được mở rộng, chất lượng hàng hóa, dịch vụ được nâng lên, đáp ứng yêu cầu của người dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2013 đạt 32%/năm.
Hoạt động du lịch cũng có những chuyển biến, lượng khách du lịch tăng bình quân 19,44%/năm. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và Quy hoạch chung đô thị Kon Plông đến năm 2030, theo định hướng sẽ thành khu du lịch quốc gia.
Các thành phần kinh tế trong tỉnh bước đầu đã phát huy được nguồn lực để phát triển, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Công tác quản lý, phát triển và khai thác các nguồn thu trên địa bàn được chú trọng, nhất là các nguồn thu từ thuế tài nguyên, tiền sử dụng đất…; đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp tiết kiệm, quản lý chặt chẽ các khoản chi đảm bảo trong phạm vi dự toán, theo định mức, chế độ quy định. Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng từ 1.285,4 tỷ đồng năm 2010 lên 1.802,6 tỷ đồng năm 2013 và dự báo đến năm 2015 thu trên 2.000 tỷ đồng. Việc thực hiện kết luận 56-KL/TW ngày 21/2/2013 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết TW 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể đang có những biến chuyển tích cực.
Tại buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Xuân Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong việc thực hiện có hiệu quả nhiều mục tiêu phát triển kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Góp ý về định hướng phát triển kinh tế, đồng chí cho rằng, trong phát triển kinh tế HTX, cần tháo gỡ những vướng mắc, đào tạo lại nguồn nhân lực, có chính sách khuyến nông, khuyến lâm phù hợp. Trong phát triển nông nghiệp, tỉnh dành diện tích phát triển cây lâm nghiệp phục vụ công nghiệp chế biến gỗ, bột giấy, còn lại dành cho các nhu cầu khác như phát triển cây sâm Ngọc Linh. Việc phát triển rau hoa xứ lạnh phù hợp, nhưng cần chọn loại rau, hoa để làm điểm nhấn.Trong chăn nuôi, hướng đến việc phát triển chăn nuôi đại gia súc...
Đào Nguyên