Kinh doanh quần áo thời trang: “Kẻ ăn không hết, người lần không ra”
Những năm gần đây, đáp ứng nhu cầu “ăn ngon, mặc đẹp”, các shop quần áo thời trang mở nhiều như “nấm mọc sau mưa”; khách hàng có thêm sự lựa chọn; hoạt động thương mại, dịch vụ thêm sôi động, phong phú. Thế nhưng, trên cùng một mặt phố, “kẻ ăn không hết, người lần không ra”, có shop khách đông bán không kịp, shop thì “vắng như chùa bà Đanh”...
Trưóc đây, phố núi Kon Tum chỉ lèo tèo vài shop quần áo thời trang trên các đoạn đường chính gần Trung tâm thương mại như: Trần Hưng Đạo, Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ, Ngô Quyền… Các shop này chỉ dành cho những người có mức sống khá trở lên, còn lại muốn sắm quần áo thì phải vào chợ.
|
Những năm gần đây, đáp ứng nhu cầu “ăn ngon, mặc đẹp”, các shop quần áo thời trang mở nhiều như “nấm mọc sau mưa” ở hầu hết các đường phố. Chỉ một đoạn ngắn trên đường Trần Phú (từ ngã ba Lê Lợi đến ngã tư Ngô Quyền) chúng tôi nhẩm tính có khoảng 20 shop.
Ở thành phố Kon Tum, hầu hết các shop quần áo thời trang tập trung phục vụ khách hàng nữ, phân khúc nhắm vào các đối tượng là trung niên, chủ yếu là thời trang công sở, giá tầm 500 - 700 ngàn đồng trở xuống là nhiều nhất. Những shop thời trang dành cho lứa tuổi teen những năm gần đây cũng mọc lên khá nhiều.
Chị N.T.H - chủ một shop quần áo thời trang trên đường Trần Phú cho biết: Nhà tôi ngay mặt đường nên khá thuận lợi, trước đây tôi mở tiệm may rất đắt khách, nhưng vất vả lắm vì phải đáp ứng yêu cầu của khách; có khi may cả ngày lẫn đêm, tiền công mỗi cái trừ hết vật liệu may còn lại 150 ngàn đồng. Sau này, khi thấy khách hàng vào tiệm may đồ thường đòi lấy ngay, hoặc thử vừa những quần áo của khách đặt may trước đó là đòi mua, thế là tôi nghĩ đến chuyện kinh doanh shop quần áo “hai trong một” tức là vừa may vừa bán. Nhờ vậy mà doanh thu cao hơn lại ít bị áp lực.
Tìm hiểu thêm về những shop quần áo thời trang, tôi ghé vào shop của chị L.T.T nằm trên đường Lê Hồng Phong. Chị T chia sẻ: Trước đây tôi bán đồ xổ, nhưng vì đồ xổ chỉ bán theo mùa, thấy người ta mở shop quần áo bán đắt khách, nên tôi cố gắng xoay sở tiền để mở cho bằng được dù gia đình phản đối. Nhưng mở được shop rồi mới thấy “chua” bởi sức cạnh tranh ngày một gay gắt giữa các hộ kinh doanh với nhau.
Trong điều kiện thủ tục kinh doanh dễ dàng, mỗi người mỗi lý do để mở shop vì vậy mới xảy ra tình trạng shop quần áo thời trang nhiều như “nấm mọc sau mưa”. Và, đúng như chị L.T.T tâm sự, để trụ được trong thị trường hiện nay không phải dễ, vì các shop quần áo mọc lên nhiều, cạnh tranh gay gắt. Để trụ vững, mỗi shop đều phải tự tìm “bí quyết” của riêng mình.
Chị L.T.T chia sẻ: Để giữ chân khách hàng thật khó, vốn lúc nào cũng phải mạnh để liên tục nhập hàng mới đáp ứng khi khách đến; “khách hàng là thượng đế” vì vậy phải vui vẻ, chiều khách; việc tư vấn để khách hài lòng cũng rất quan trọng; cuối cùng khâu nhập hàng về bán cũng đóng vai trò sống còn của tiệm vì thế tôi không nhập về ồ ạt mà tuyển lựa từng sản phẩm để tránh bị tồn kho.
Shop của chị N.M.L trên đường Trần Hưng Đạo (thành phố Kon Tum) là một trong những shop chiếm được lòng tin của khá nhiều chị em trong giới cơ quan nhà nước về chất lượng, mẫu mã cho đến giá cả từng loại sản phẩm. Chị L cho biết: Tôi có thâm niên bán hàng trên 25 năm. Để tồn tại được lâu như vậy, tôi luôn chú trọng vào khâu nhập hàng. Sản phẩm bán ra phải đảm bảo chất liệu vải tốt và đường may sắc xảo. Ngoài ra, phương châm kinh doanh của tôi là lời ít nhưng bán được số lượng nhiều, không nói thách, niêm yết giá nào bán đúng theo giá đó.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, số shop có “bí quyết”, thu hút đông khách hàng để trụ vững không nhiều. Rất nhiều shop được mở ra, nhưng số shop phải đóng cửa cũng không thua kém. Có nhiều nguyên do nhưng nguyên nhân thường thấy đối với sự thất bại của các chủ shop này là kinh nghiệm.
Bởi thủ tục kinh doanh dễ dàng, nên nhiều người mở shop chỉ vì chưa có việc làm, có tiền nhàn rỗi chưa biết đầu tư ở đâu... Không ít trường hợp là sinh viên mới ra trường muốn thử sức. Điểm chung ở họ là thiếu “bí quyết” kinh doanh, chỉ suy nghĩ đơn giản có vốn, có mặt bằng... là mở shop. Chỉ đến khi đối mặt với đủ các khoản chi phí phát sinh, nguồn hàng, chăm sóc khách hàng... họ mới “méo mặt”.
Trường hợp em T chủ một shop thời trang ở góc ngã tư Trần Phú - Hùng Vương, thành phố Kon Tum là một ví dụ. T kể lại: Em ra trường nhưng chưa xin được việc làm, ở nhà hoài cũng chán, xin ba mẹ cho mở shop thời trang để tự khẳng định bản thân. Ba mẹ thương con đứng ra vay ngân hàng bằng cách thế chấp sổ đỏ để lấy vốn cho em kinh doanh. Lúc đầu em bán cũng rất đắt hàng vì hiểu được tâm lý của khách, tư vấn giúp khách mua những đồ vừa ý. Nhưng do còn trẻ, lại thích bay nhảy, ham chơi, em thường đóng cửa để đi chơi, dần dần mất khách, cộng với nhiều khoản chi không tên, càng bán càng thâm vốn nên em quyết định dẹp tiệm, hậu quả là đống nợ ngân hàng ba mẹ em phải gánh.
Thiếu kinh nghiệm trong kinh doanh, thấy người ta kinh doanh mặt hàng gì thì kinh doanh mặt hàng ấy, không quan tâm đến điều kiện đối tượng khách hàng của mình cần gì, khả năng thế nào... đã khiến không ít shop lâm vào cảnh “vắng như chùa bà Đanh”.
|
Nhiều shop còn áp dụng một cách máy móc các chiêu trò khuyến mãi câu khách như nâng giá rồi treo biển giảm giá 20%, 50%, 70% thậm chí cao hơn... hoặc sản phẩm có giá thấp nhưng hét với giá thật cao, người mua trả giá nào cũng bán... Kiểu kinh doanh “ăn xổi” này khiến khách hàng bức xúc, một đi không quay lại.
Có thể thấy, trong điều kiện thủ tục dễ dàng như hiện nay, việc mở các shop kinh doanh các mặt hàng quần áo thời trang là việc không khó. Nhưng mỗi người, nhất là các bạn sinh viên mới ra trường cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định của mình.
Bên cạnh đó, việc các shop thời trang nhiều như “nấm mọc sau mưa” giúp khách hàng có thêm điều kiện chọn lựa những mặt hàng ưa thích, hợp túi tiền, nhưng mỗi người tiêu dùng cũng cần tỉnh táo đối với những chiêu trò, làm ăn chụp giật của những shop kinh doanh theo kiểu “ăn xổi”.
Gia Thịnh