Kiểm soát giết mổ gia súc còn thiếu chặt chẽ
Tại Kỳ họp thứ hai HĐND khóa XI, nhiều đại biểu bày tỏ sự lo lắng trước việc thiếu kiểm soát các điểm giết mổ gia súc gia cầm. Không ít cơ sở giết mổ gia súc lợi dụng sơ hở này, thực hiện hành vi gian lận bơm nước vào gia súc trước khi mổ để tăng lợi nhuận. Quá trình phát hiện, xử lý của các ngành chức năng đã có nhưng không thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, để tăng tính răn đe, cảnh giác...
Gia súc bị bơm nước trước khi giết mổ
Trước lo ngại về thực phẩm động vật tươi sống mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ông Nguyễn Trung Hải - Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, 7 tháng đầu năm nay, ngành đã chỉ đạo thực hiện 4 đợt kiểm tra liên ngành cấp tỉnh về kiểm soát giết mổ và kinh doanh thực phẩm động vật tươi sống trên địa bàn. Và tính từ năm 2015 đến nay, không phát hiện trường hợp gia súc có chứa chất cấm Sabutamolg trước khi đưa vào giết mổ; chỉ phát hiện xử lý 1 trường hợp tiêu thụ bẹ sữa heo bị ôi thối vận chuyển từ nơi khác đến tỉnh.
Tuy nhiên, qua thực tế, phóng viên Báo Kon Tum lại nhận được thông tin 6 cơ sở kinh doanh giết mổ gia súc ở một số địa phương đã bị phát hiện, xử phạt về hành vi tự ý bơm nước vào bụng con bò, heo trước khi giết mổ (từ cuối năm 2015 đến quý II/2016).
Cụ thể, ông Đặng Hùng Cường – Giám đốc Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình công cộng huyện Đăk Hà cho biết, cuối năm 2015 đến tháng 6/2016, Đội kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm của huyện, tỉnh kiểm tra tại khu vực giết mổ gia súc tập trung của địa phương phát hiện 2 hộ dân đăng ký giết mổ gia súc đã cố tình bơm nước vào 2 con bò, heo trước khi đưa vào xử lý. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, xử phạt hành chính tổng số tiền 12 triệu đồng/2 cơ sở. Tháng 6/2016, thêm 1 hộ không đăng ký kinh doanh lĩnh vực trên cũng bị phạt từ hành vi gian lận thương mại này.
|
Tại thành phố Kon Tum, cuối năm 2015, Đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, chủ lực là Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) “mật phục” đã bắt quả tang 3 cơ sở giết mổ gia súc có hành vi sai phạm trên và xử phạt mỗi hộ 6 – 7 triệu đồng.
Theo các cơ quan chức năng, hành vi sai phạm của các chủ cơ sở giết mổ gia súc này được xác định là gian lận thương mại và mức phạt trên căn cứ quy định tại Nghị định 119/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi. Mức phạt này có lẽ quá thấp và không đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh giết mổ, buôn bán thực phẩm gia súc tươi sống có lợi nhuận kinh tế rất cao, nên họ sẵn sàng tìm mọi cách để tăng trọng lượng con vật trước khi đưa vào lò giết mổ. Qua các kết luận, nghiên cứu của ngành y tế, thì lượng nước bị bơm vào gia súc không những ảnh hưởng đến yếu tố tươi ngon của sản phẩm mà xét về mặt kinh tế còn ảnh hưởng đến túi tiền của người tiêu dùng.
Thiếu kiểm soát
Trao đổi với phóng viên Báo Kon Tum, ông A Vượng – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đăk Hà cho rằng, đối với gia súc trước khi đưa vào sản xuất ở các khu giết mổ gia súc tập trung, hoặc điểm giết mổ tự phát của người dân ở khu dân cư vẫn “vắng bóng” lực lượng thú y kiểm soát an toàn thực phẩm theo quy định. Ở huyện Đăk Hà, 16 cơ sở hoạt động lĩnh vực trên, trong đó có 11 chủ hộ đăng ký kinh doanh, giết mổ gia súc ở khu vực tập trung của địa phương. Mỗi ngày, các cơ sở này xuất ra thị trường trên địa bàn và các huyện lân cận hơn 10 con bò, 60 con heo nhưng thiếu cán bộ thú y giám sát, kiểm tra, xử lý mạnh. Do vậy, thời gian qua, các chủ cơ sở kinh doanh lĩnh vực này vẫn ngang nhiên có hành vi sai phạm tương tự đang gia tăng. Mặt khác, công tác truyền thông đến nhân dân biết về các cơ sở kinh doanh trái phép, có hành vi gian lận thương mại hầu như không nhiều khiến người dân thiếu thông tin, gây ra hoang mang trong dư luận.
|
Quay lại khu vực giết mổ gia súc tập trung huyện Đăk Hà, ông Cường cho hay, sau các sự cố chủ lò mổ bơm nước vào heo, bò bị phát hiện, hiện tại công tác kiểm soát giết mổ bò heo ở đây được thực hiện quyết liệt hơn. UBND huyện đã tạm ứng kinh phí hơn 30 triệu đồng để trang bị hệ thống camera giám sát hoạt động khu vực này. Cụ thể, hàng ngày vào 17h hôm trước kéo dài đến 7h sáng hôm sau, đơn vị phân công 3 người của Đội quản lý dịch vụ thương mại (Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình công cộng huyện Đăk Hà) trực theo dõi, kiểm soát việc vận chuyển trâu, bò, heo vào các chuồng nhốt gia súc. Đến ghi hình, kiểm soát quá trình giết mổ gia súc của các chủ cơ sở đăng ký tại đây. Nếu có những biến động bất thường, anh em đội quản lý sẽ nhắc nhở chủ lò, hoặc báo cáo về lãnh đạo trung tâm xin ý kiến chỉ đạo.
Tuy nhiên, ông Cường phản ánh, quy trình đưa gia súc đến khu vực giết mổ tập trung và đưa sản phẩm tươi sống ra thị trường, thiếu sự phối hợp kiểm soát của của ngành thú y cơ sở về đảm bảo an toàn thực phẩm. Ông Cường nói: Họ (cán bộ thú y huyện Đăk Hà - PV) đến khu giết mổ gia súc tập trung địa phương, vào lúc 5h chiều hàng ngày để kiểm đếm đàn gia súc tập kết ở các lò mổ. Đến 5h sáng hôm sau, họ tiếp tục mang con dấu “đã kiểm soát” đến đóng vào thành phẩm thịt tươi sống được mổ thịt xong ở bàn đặt tại đây. Sau đấy, họ thu phí kiểm tra và ra về. Sau công đoạn này, chủ cơ sở giết mổ gia súc đưa hàng đi tiêu thụ.
Cũng theo ông Cường, đã có lúc, anh em ở Đội quản lý khu vực giết mổ gia súc tập trung nghi ngờ có chủ hộ bơm nước vào gia súc ở nơi khác, rồi chở đến đây làm thịt và báo cáo lại cấp trên. Nhưng với nhiệm vụ là quản lý và kinh doanh dịch vụ, chúng tôi không có chức năng chuyên môn về thú y, hay y tế để kiểm tra đúng thông tin anh em phản ánh hay không. Chúng tôi đã đề nghị nhiều lần cần bố trí cán bộ thú y trực thường xuyên ở đây, nhưng vẫn chưa được các ngành chức năng quan tâm.
Trong khi đó, đánh giá của Chi cục Thú y tỉnh, hiện toàn tỉnh có 4/10 huyện, thành phố Kon Tum có khu vực giết mổ gia súc, gia cầm tập trung với kinh phí đầu tư 3-5 tỷ đồng/công trình, bao gồm: huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Sa Thầy và Ngọc Hồi với khoảng 20 hộ đăng ký vào hoạt động. Đối với hoạt động kiểm soát giết mổ gia cầm, các Trạm thú y cấp huyện và thành phố Kon Tum thường xuyên cử cán bộ thực hiện kiểm soát giết mổ gia súc tại các cơ sở giết mổ tập trung. Tuy nhiên, đối với 97 cơ sở giết mổ gia súc nhỏ lẻ ở khu dân cư toàn tỉnh hoạt động không có giấy phép đăng ký kinh doanh, thì lực lượng thú y cơ sở hầu như chưa kiểm soát được. Đây là nguy cơ tăng các hành vi vi phạm về đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm động vật tươi sống. Ngoài ra, các cơ sở này không đảm bảo hệ thống xử lý nước thải, quy trình giết thịt gia súc và nguy cơ ảnh hưởng vệ sinh môi trường rất cao; thậm chí tăng lây lan dịch bệnh gia súc trên đàn gia súc gia cầm trong nhân dân cũng từ đây.
Trước thực tế trên, tỉnh cần sớm có các chủ trương chỉ đạo các ngành chức năng liên quan tăng cường phối hợp với các địa phương hơn nữa trong công tác vận động thực hiện kinh doanh đúng quy định; kiên quyết xử lý và thông tin rộng rãi các hành vi, cơ sở kinh doanh cố tình sai phạm, mất vệ sinh trong hoạt động giết mổ gia súc gia cầm. Cùng đó, tuyên truyền, kêu gọi người dân cảnh giác, tố giác các hành vi kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y cho đơn vị chức năng, chính quyền cơ sở biết, xử lý.
Mai Trâm