Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh: Bảo vệ có hiệu quả đa dạng sinh học và tài nguyên rừng
Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh có 37.485,98 ha rừng. Để bảo vệ có hiệu quả tài nguyên rừng và sự đa dạng sinh học, bên cạnh việc hợp đồng thêm nhiều nhân viên bảo vệ rừng, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh còn tăng cường giao khoán rừng cho cộng đồng bảo vệ.
Đa dạng sinh học
Ngủ lại đêm ở xã Đăk Man. Chờ mặt trời sưởi ấm, xóa tan màn sương sớm, chúng tôi cùng một số cán bộ đi vào rừng. Không biết có phải cảnh báo hay “chào đón” khách lạ, từ xa chúng tôi nghe nhiều tiếng chim rừng lảnh lót và có cả tiếng hú gọi bầy của loài linh trưởng.
Các âm thanh trong rừng trở thành một giàn hợp xướng náo nhiệt trước ánh nắng hanh hao của một ngày mới. Anh Đinh Ngọc Thanh- Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh cho biết, cán bộ, viên chức khi đi tuần tra rừng cũng thường gặp các loài linh trưởng. Tuy nhiên, loài linh trưởng rất tinh ranh, chúng ta chỉ nghe tiếng hú và thấy nó chuyền nhau trên cành cây khá xa so với khoảng cách con người. Các loài linh trưởng như khỉ mặt đỏ, khỉ đột, khỉ nhện thường gặp trong các khu rừng tự nhiên ở xã Đăk Man, Đăk Choong, Xốp…gần nương rẫy của dân. Có khi chúng còn xuống bẻ bắp, ăn lúa của dân.
|
Rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh khá đa dạng sinh học. Cây cối nhiều tầng, nhiều lớp. Vào phòng lưu trữ trong Khu Bảo tồn, chúng tôi chứng kiến nhiều tiêu bản về các loài động vật, thực vật được trưng bày trong các tủ kính. Các tiêu bản này là các kết quả phối hợp nghiên cứu giữa cán bộ, nhân viên Khu Bảo tồn với các trường đại học, các trung tâm bảo tồn, các tổ chức quốc tế…đang được lưu giữ theo từng loài từ trước đến nay.
Không tính những năm trước, riêng năm 2016-2017, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh phối hợp với Bảo tàng Đại học Kyoto, Kyushu (Nhật Bản), Đại học Quốc gia Đài Loan, Trung tâm Bảo tồn sinh thái Châu Á, Khoa sinh học (Đại học Đà Lạt), Viện Nghiên cứu sinh, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam)… điều tra, nghiên cứu động, thực vật và thu thập được 850 mẫu vật.
Các kết quả nghiên cứu từ trước đến nay cho thấy, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh có 1.091 loài thực vật bậc cao, trong đó có 40 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và 25 loài được ghi trong Sách đỏ Thế giới, 11 loài nằm trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Các loài thực vật quý hiếm có thể kể như: sâm Ngọc Linh, lan kim tuyến, trầm hương, thông Đà Lạt, đỉnh tùng, vù hương, vằng đắng...
Ở khu hệ thú có 91 loài, trong đó có 25 loài trong Sách đỏ Việt Nam, 20 loài trong Sách đỏ thế giới và 24 loài nằm trong Nghị định 32. Các loài thú quý hiếm như: mang Trường Sơn, mang lớn, chà vá chân xám, chà vá chân đen, gấu chó, gấu ngựa, cu li lớn, khỉ mặt đỏ…Ở Khu hệ chim có 234 loài, trong đó có 10 loài trong Sách đỏ Việt Nam, 8 loài trong Sách đỏ Thế giới và 9 loài nằm trong Nghị định 32. Các loài chim quý hiếm như: gà lôi lông tía, gà lôi trắng, khướu Ngọc Linh, khướu đầu xám, trĩ sao…Ở khu hệ bò sát, ếch nhái có 65 loài, trong đó có 10 loài trong Sách đỏ Việt Nam, 7 loài trong Sách đỏ Thế giới và 5 loài nằm trong Nghị định 32. Các loài quý hiếm như: rồng đất (Physignathus concincinnus), rắn hổ mang chúa (Ophiophagus Hannah), ếch gai (Quasipa spinosa)…
Tuy nhiên, đó mới chỉ là những con số được phát hiện, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh còn nhiều tiềm năng và bí ẩn đang cần tiếp tục được nghiên cứu và khám phá.
Tăng cường bảo vệ
Có người ví Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh nói riêng, vùng núi Ngọc Linh nói chung như nóc nhà Tây Nguyên. Điều đó đúng! Bởi đỉnh núi Ngọc Linh (2.604 mét) cao nhất Tây Nguyên, chỉ thấp hơn đỉnh núi Phan Xi Păng (3.143 mét) ở Tây bắc Việt Nam mà thôi. Sự đa dạng sinh học cùng với vị thế của Ngọc Linh, đòi hỏi chúng ta không được phép xao nhãng trong việc bảo vệ hiệu quả tài nguyên thiên nhiên ban tặng.
|
Trên thực tế, thấy được vai trò và trách nhiệm của mình trong công tác quản lý bảo vệ rừng, trong những năm qua, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh triển khai nhiều hoạt động bảo vệ và phát triển có hiệu quả tài nguyên rừng. Bên cạnh việc hợp đồng người bảo vệ rừng, phân công cán bộ, nhân viên bám địa bàn và tăng cường tuần tra rừng, Khu Bảo tồn còn tăng cường giao khoán rừng cho người dân bảo vệ.
Trong giai đoạn từ năm 2011-2015, Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh giao khoán 11.530 ha rừng cho 531 hộ gia đình và 4 cộng đồng ở các xã vùng đệm. Trong giai đoạn 2016-2020, Ban Quản lý giao khoán cho 49 cộng đồng ở các xã vùng đệm quản lý bảo vệ 14.986,03 ha rừng theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Không tính những năm trước, chỉ riêng năm 2017, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh tạm ứng cho các cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng 2,14 tỷ đồng. Trao đổi về nhận khoán bảo vệ rừng, ông A Hoàng- Thôn trưởng thôn Đăk Glây (xã Đăk Choong) kiêm Tổ trưởng tổ quản lý bảo vệ rừng, bộc bạch: Cộng đồng thôn nhận khoán bảo vệ 700,66 ha rừng. Nhận khoán bảo vệ rừng, cộng đồng chia làm 5 tổ và thay phiên nhau đi tuần tra bảo vệ rừng.
Rừng nhận khoán được quản lý bảo vệ tốt, không để xảy ra mất rừng. Từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh tạm ứng cho cộng đồng thôn Đăk Glây 223,18 triệu đồng. Nhận tiền quản lý bảo vệ rừng, cộng đồng trích Quỹ phát triển thôn 5 triệu đồng, chia tổ quản lý bảo vệ rừng 8 triệu đồng, còn lại chia đều cho mỗi hộ gần 1,3 triệu đồng. Đồng tiền quản lý bảo vệ rừng góp phần cho các hộ cải thiện đời sống.
“Rừng Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh có tác dụng phòng hộ, điều hòa khí hậu, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ cuộc sống của dân làng. Bảo vệ rừng, người dân hưởng lợi nhiều từ rừng. Cộng đồng không để ai xâm hại rừng”-A Hiếu, thành viên trong cộng đồng thôn Đăk Glây chia sẻ về hiểu biết và trách nhiệm của cộng đồng.
Không chỉ có cộng đồng thôn Đăk Glây, cộng đồng thôn Bê Rê, Kon Rồng, Liêm Năng (Đăk Choong), Đăk Bối, Xả Óa (Mường Hoong), Kon Tuông, Tấn Rát (Ngọc Linh), Long Nang, Đăk Poi (thị trấn Đăk Glei)… cũng đều là những điển hình trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Thông qua việc tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và việc thực hiện chính sách giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho các cộng đồng, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh ngày càng quản lý bảo vệ có hiệu quả tài nguyên rừng. Rừng ngày càng hồi sinh.
Văn Nhiên