Khó khăn thực hiện tiêu chí thu nhập
Trong 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới thì tiêu chí số 10 về thu nhập được đánh giá là một trong những tiêu chí khó thực hiện nhất. Theo quy định, thu nhập bình quân đầu người phải đạt từ 41 triệu đồng/năm trở lên nhưng đến nay, hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh chưa đạt được tiêu chí này, thậm chí với một số xã đã đạt chuẩn nông thôn mới thì việc giữ vững và nâng cao tiêu chí này cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Đơn cử như huyện Kon Rẫy, đến nay có 3/6 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tuy nhiên hiện nay để nâng cao tiêu chí thu nhập cho người dân cũng gặp không ít khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Thủy- Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Những năm qua huyện Kon Rẫy luôn xác định nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những tiêu chí quan trọng nhất trong xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, huyện đã chủ động lồng ghép các chương trình, dự án, chính sách ưu tiên các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, mô hình sản xuất, hỗ trợ vốn vay… để tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, với đặc thù là huyện có đông người đồng bào DTTS sinh sống (chiếm trên 65%), địa hình đồi dốc, đất đai canh tác không thuận lợi nên mức thu nhập bình quân trên địa bàn huyện năm 2020 mới chỉ đạt gần 30 triệu đồng/năm. Nguyên nhân do thu nhập chính của người dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, trong khi quy mô sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, giá cả của nhiều loại nông sản không cao... nên ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập người dân. Để nâng cao thu nhập cho nhân dân, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương tăng cường vận động người dân tập trung phát triển sản xuất, mạnh dạn đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại giống mới có năng suất cao vào sản xuất, mở rộng diện tích cây ăn quả, lúa nước, cây dược liệu, tăng đàn gia súc, gia cầm...
|
Ở huyện vùng sâu Đăk Glei việc thực hiện tiêu chí này thì càng khó hơn. Ngoại trừ 2 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là Đăk Pék và Đăk Môn, 9 xã, thị trấn còn lại đến thời điểm này thu nhập bình quân đầu người hầu như đều chưa đạt.
Bà Y Ngọc -Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đăk Glei cho biết, để nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian qua, huyện cũng đã tranh thủ các nguồn lực, hỗ trợ người dân thực hiện các mô hình phát triển kinh tế như chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng dược liệu, cây mắc ca, lúa nước, cà phê xứ lạnh và nhiều loại cây trồng khác... Tuy nhiên, do tập quán sản xuất, chăn nuôi của người dân còn nhỏ lẻ, manh mún; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế nên những mô hình này chưa phát huy hết hiệu quả như mong đợi.
Không chỉ đối với các huyện, việc nâng cao thu nhập trong tiến trình xây dựng nông thôn mới cho người dân tại một số địa phương trên địa bàn thành phố Kon Tum cũng gặp không ít khó khăn.
Ông Trịnh Lê Văn - Chủ tịch UBND xã Đăk Blà (thành phố Kon Tum) cho biết, đến nay, xã đạt được 14/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong 5 tiêu chí chưa đạt còn lại có tiêu chí thu nhập. Đến hết năm 2020 thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã là 21 triệu đồng/năm, mới chỉ đạt 50% so với quy định. Chính vì thế, việc hoàn thành tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới là một thách thức rất lớn đối với xã Đăk Blà trong khi mục tiêu thực hiện nghị quyết đưa xã Đăk Blà đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2022.
Để nâng cao thu nhập cho người dân, hoàn thành tiêu chí thu nhập, đòi hỏi chính quyền các địa phương cần có các giải pháp, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất phù hợp. Trong đó, cần đẩy mạnh thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi, trồng trọt, thực hiện thâm canh cây trồng có hiệu quả. Cùng với đó cần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cơ sở khai thác có hiệu quả lợi thế đất đai, khí hậu của địa phương và gắn với thị trường. Triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; duy trì và nâng cao chất lượng lao động, tạo việc làm thường xuyên cho lao động nông thôn.
Đắc Vinh