Khi doanh nghiệp cùng nông dân nhìn về một hướng
Trong bối cảnh việc tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì những doanh nghiệp như Công ty CP Đường Kon Tum, Công ty CP Thực phẩm và Dược liệu Măng Đen, Công ty TNHH Sơn Trung Du đang liên kết với nông dân sản xuất mía, bắp, dược liệu và bao tiêu sản phẩm…, cần được nhân rộng trên địa bàn tỉnh.
Trao đổi với phóng viên Báo Kon Tum, ông Lê Hồng Thái – Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đường Kon Tum cho biết, trong những năm qua, doanh nghiệp đã phối hợp với chính quyền địa phương và bà con nông dân triển khai thực hiện các chính sách đầu tư vùng mía với những giải pháp đồng bộ nhằm tạo vùng nguyên liệu mía ổn định, kết hợp với chính sách thu mua thông thoáng, thanh toán nhanh gọn. Tuy nhiên, mối liên kết này chưa chặt chẽ, chưa có sự hỗ trợ tích cực từ phía chính quyền và vùng nguyên liệu mía vẫn chưa được quy hoạch cụ thể. Gần đây, với chủ trương xây dựng cánh đồng lớn của tỉnh, nhiều địa phương như thành phố Kon Tum, Đăk Hà đang triển khai kế hoạch dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp thuê của người dân và cho doanh nghiệp thuê lại; hoặc cho doanh nghiệp liên kết với bà con nông dân để mở rộng vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm. Vụ mía 2017-2018, công ty thực hiện chính sách đầu tư không thu hồi như hỗ trợ tiền cày đất, hỗ trợ phân bùn cải tạo đất, hỗ trợ khoan giếng tưới mía; hỗ trợ vốn có thu hồi như mía giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống tưới trồng mía công nghệ cao… Công ty sẽ thu mua toàn bộ sản lượng mía thể hiện tại hợp đồng với giá 800.000 đồng/tấn tại ruộng. Trường hợp giá mía trên thị trường cao hơn mức giá bảo hiểm, công ty sẽ mua theo giá thị trường.
Tại huyện Kon Plông, với Dự án quản lý bảo vệ rừng, kinh doanh du lịch, trồng phát triển cây dược liệu kết hợp chăn nuôi dê sữa công nghệ cao, Công ty CP Dược liệu và Thực phẩm Măng Đen đang ký kết hợp đồng thuê đất của bà con nông dân; đồng thời trực tiếp hướng dẫn nông dân kỹ thuật sản xuất bắp và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, để đảm bảo nguồn thức ăn cho dê với giá cao hơn thị trường.
|
Cũng tại huyện Kon Plông, trong tháng 3/2017, Công ty TNHH Sơn Trung Du (Việt Trì - Phú Thọ) ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ cây dược liệu với các hộ dân xã Măng Cành và Đăk Long với diện tích 30ha. Loại cây dược liệu mà công ty này đưa vào trồng là cây cà dây leo. Các hộ dân sẽ được công ty tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ cây giống để trồng, chăm sóc, thu hái và bán sản phẩm cho công ty.
Ông Đặng Thanh Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết, huyện đang xây dựng các cánh đồng lớn tại xã Măng Bút và xã Hiếu khoảng 200ha. Tại đây, chính quyền sẽ làm trung gian để doanh nghiệp thuê đất hoặc liên kết với bà con nông dân sản xuất các loại cây trồng và phải bao tiêu sản phẩm. Việc chính quyền địa phương tham gia chứng kiến việc ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp và nông dân có thể được xem như là “trọng tài” để giải quyết tranh chấp nếu các bên đơn phương phá vỡ hợp đồng. Trong mối liên kết này, việc hỗ trợ nông dân phải được xem là điều kiện tiên quyết.
Có thể nói, việc tiêu thụ nông sản qua hợp đồng nằm trong mối quan hệ liên kết “4 nhà” là mục tiêu giúp sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà hướng tới bền vững. Khi doanh nghiệp - nông dân cùng nhìn về một hướng thì nhu cầu liên kết ngày càng trở nên đa đạng hơn. Việc nông dân, hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp là một trong những giải pháp để hàng nông sản của nông dân làm ra có nơi tiêu thụ, lợi nhuận được đảm bảo; đồng thời mối liên kết này cũng đảm bảo tác nhân trong chuỗi sản xuất hàng hóa nông nghiệp cho doanh nghiệp.
Bài và ảnh: Dương Lê