Khai trương Phân viện Nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Sài Gòn tại Tây Nguyên
Ngày 5/1, tại Khu Du lịch sinh thái Măng Đen (xã Đăk Long, huyện Kon Plông), Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức khai trương Phân viện Nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Sài Gòn tại Tây Nguyên.
Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Tuy - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và huyện Kon Plông.
|
Tại buổi lễ, ông Đỗ Hoàng Hải - Chủ tịch Hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Sài Gòn cho biết, hiện nay, Viện đã cho ra đời 10 sản phẩm là những thực phẩm sản xuất từ các chế phẩm của đông trùng hạ thảo, sâm dây, sâm Hàn Quốc, yến sào… Trong thời gian tới, Viện sẽ xây dựng Vườn bảo tồn và phát triển cây dược liệu để giữ nguồn gen quí hiếm, sẽ xây dựng Trung tâm giống dược liệu ở huyện Kon Plông và Trung tâm giống huyện Kbang (tỉnh Gia Lai).
|
Theo đó, Viện sẽ chọn lọc các loài dược liệu đặc trưng quý hiếm từ các vườn quốc gia, các khu bảo tồn của Tây Nguyên để đội ngũ khoa học của Viện khảo nghiệm và phát triển thành ngân hàng mô, ngân hàng giống cung cấp và hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng cho các nông trường, đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Khi phát triển rộng, Viện sẽ thu mua tất cả các sản phẩm của người dân để chế biến thành thực phẩm chức năng, nguyên liệu bào chế các loại thuốc mới chữa bệnh, nâng cao sức khỏe và sắc đẹp cho con người.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao sự hợp tác toàn diện, lâu dài, có tính chiến lược của Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Sài Gòn trong việc phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, đồng thời tạo công ăn việc làm cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Kon Plông, góp phần cùng với Đảng bộ và chính quyền tỉnh sớm đưa Khu Du lịch sinh thái Măng Đen trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương với nhiều mặt hàng dược liệu quý hiếm mang tính đặc thù của núi rừng Kon Plông.
Tin, ảnh: Trần Văn Phúc