Khắc phục tồn tại, nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Tỉnh ủy, trong những năm qua, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai nhiều biện pháp quản lý bảo vệ rừng. Công tác quản lý bảo vệ rừng mặc dù có nhiều chuyển biến, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục…
Là phóng viên theo dõi ngành Nông nghiệp, tôi còn nhớ sau khi tổng kết Phương án chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013-2015, tháng 5/2016, UBND tỉnh triển khai thực hiện Phương án tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020.
Kể từ ngày thực hiện Phương án này, công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Ngành Nông nghiệp, UBND các huyện, thành phố và các chủ rừng tiếp tục củng cố công tác tổ chức, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về công tác quản lý bảo vệ rừng.
|
Công tác tuyên truyền được triển khai đa dạng dưới nhiều hình thức, vừa giúp người dân nâng cao nhận thức và vừa thấy được trách nhiệm của mình trong công tác quản lý bảo vệ rừng, nhất là đối với các hộ, cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng. Rừng được giao khoán cho người dân, cho cộng đồng theo chính sách dịch vụ môi trường rừng ở nhiều nơi ít bị xâm hại hơn. Nhiều chủ rừng nhờ biết phát huy đồng tiền dịch vụ môi trường rừng nên đã góp phần bảo vệ và phát triển tốt tài nguyên rừng như Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô, Công ty Nguyên liệu giấy Miền Nam, Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Nham, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tu Mơ Rông...
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương, chủ rừng chưa kiểm soát hết tài nguyên rừng, để xảy ra phá rừng, khai thác, cất giấu, vận chuyển lâm sản trái phép. Cụ thể như: Phá rừng trái pháp luật (ở xã Hiếu, xã Pờ Ê, Măng Cành, Đăk Long - huyện Kon Plông; rừng phòng hộ Đèo Măng Đen huyện Kon Rẫy); khai thác rừng trái phép (ở lâm phần các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sa Thầy, Ngọc Hồi và Đăk Glei; rừng khu vực biên giới thuộc huyện Ngọc Hồi, Đăk Glei; rừng phòng hộ thuộc xã Ngọc Réo, Đăk Psi- huyện Đăk Hà); vận chuyển lâm sản trái pháp luật (rừng khu vực biên giới thuộc huyện Ngọc Hồi; tuyến đường sông Sê San huyện Ia H’Drai; xã Đăk Cấm, đường sông Đăk Bla đoạn qua xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum); mua bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái quy định (Kon Rẫy, Sa Thầy, Kon Plông)...
UBND tỉnh xác định rõ nguyên nhân tồn tại là do một số cấp ủy, chính quyền địa phương thiếu sự quan tâm lãnh đạo; các lực lượng chức năng, chủ rừng còn lơ là, buông lỏng công tác quản lý, thiếu chủ động và chưa có giải pháp quản lý bảo vệ rừng hiệu quả. Công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương còn thiếu chặt chẽ.
Khắc phục những tồn tại trên, tại Hội nghị sơ kết Phương án tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh vào tháng 3/2017, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan và các chủ rừng tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp của Phương án đã đề ra, giảm thiểu tình hình vi phạm lâm luật.
Đồng thời, UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương, các cơ quan, đơn vị có liên quan và các chủ rừng thực hiện các nhiệm vụ sau: Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân thực hiện Luật Bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện cuộc vận động "Toàn dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng" và phong trào "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác" hằng năm trên địa bàn tỉnh...
UBND tỉnh giao Sở Nội vụ phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành "Quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp của các chủ rừng, các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, cá nhân liên quan trên địa bàn tỉnh "; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh xây dựng “Quy chế phối hợp giữa chính quyền cấp xã với các đơn vị chủ rừng đóng chân trên địa bàn trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn xã”... để triển khai thực hiện.
Văn Nhiên