Khắc phục khó khăn, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới
Khắc phục khó khăn, xác định Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) là chương trình quan trọng, từ đầu năm đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo NTM tiếp tục huy động các nguồn lực, hệ thống chính trị và người dân tham gia xây dựng NTM.
Theo ông Trần Văn Chương - Phó giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo NTM, thể hiện sự quan tâm và quyết tâm này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, có tính đến năm 2025; UBND tỉnh phân công thành viên Ban chỉ đạo phụ trách các xã điểm và phân công các sở, ngành phụ trách các tiêu chí NTM, đồng thời chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh ra quân xây dựng NTM ngay từ những ngày đầu năm.
Với sự huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc và thông qua phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, vệ sinh môi trường, làm đường giao thông nông thôn, tình hình xây dựng NTM ở tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực.
Đến các địa phương, chúng ta không khó để nhận diện những tuyến đường bê tông, những đập thủy lợi, kênh mương mới được xây dựng và nạo vét, những thửa ruộng mới được khai hoang, những mô hình sản xuất mới, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, cây xanh mới trồng, hàng rào mới được chỉnh trang ở các làng… theo những mục tiêu ưu tiên và được người dân lựa chọn thực hiện.
|
Trong quá trình xây dựng NTM, nhiều xã như Đăk Ngọc, Đăk Ui (Đăk Hà), Sa Loong, Đăk Dục (Ngọc Hồi), Đăk Kroong, Đăk Choong (Đăk Glei), Hiếu, Măng Cành (Kon Plông)... xây dựng các mô hình sản xuất, các tổ hợp tác sản xuất, các tổ vần công, đổi công hỗ trợ nhau phát triển các cây trồng, vật nuôi và phát triển nghề truyền thống.
Theo Sở NN&PTNT, trong những tháng đầu năm 2016, Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại tỉnh được khởi động, Đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030 được HĐND tỉnh thông qua; Dự án ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình trồng tái canh cây cà phê vối bền vững và Phương án nâng cao chất lượng đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện.
|
Bằng việc huy động các nguồn lực xây dựng NTM, đến nay, toàn tỉnh có 9 xã đạt chuẩn NTM, 4 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 21 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 43 xã đạt từ 5-9 tiêu chí và 9 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Nếu tính theo từng tiêu chí, có 13 xã đạt tiêu chí giao thông, 57 xã đạt tiêu chí thủy lợi, 74 xã đạt tiêu chí điện, 30 xã đạt tiêu chí trường học, 27 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, 48 xã đạt tiêu chí giáo dục, 48 xã đạt tiêu chí y tế, 33 đạt tiêu chí văn hóa, 22 xã đạt tiêu chí môi trường, 75 xã đạt tiêu chí an ninh trật tự, 16 xã đạt tiêu chí thu nhập, 17 xã đạt tiêu chí hộ nghèo, 70 xã đạt tiêu chí tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, 30 xã đạt tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất… Bình quân đạt 9,1 tiêu chí trên xã, tăng 0,4 tiêu chí so với năm 2015.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, nguồn vốn Chương trình NTM đầu tư trực tiếp cho NTM còn thấp (bình quân mỗi xã khoảng 1 tỷ đồng), không đáp ứng yêu cầu; một số tiêu chí đã đạt chuẩn năm 2015, nhưng áp theo quy định chuẩn mới năm 2016 lại chưa đạt như tiêu chí hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người. Bên cạnh đó, việc phối hợp, lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác để thực hiện theo cơ chế đầu tư đặc thù còn gặp nhiều khó khăn do mỗi chương trình đều có mục tiêu, quy định riêng… ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng NTM.
Nhận diện khó khăn để khắc phục và trước yêu cầu đặt ra, Ban chỉ đạo NTM tỉnh xác định mục tiêu phấn đấu cuối năm 2016 có: 5 xã đạt chuẩn NTM và đến năm 2020 có 25 xã đạt chuẩn NTM.
Để thực hiện mục tiêu này, Ban chỉ đạo NTM tỉnh chủ động bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và tăng cường huy động, lồng ghép các nguồn lực khác trên địa bàn; tập trung ưu tiên chỉ đạo đối với các xã về đích năm 2016 và hướng dẫn các xã khó khăn để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM; xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng xây dựng. Ban chỉ đạo NTM xác định phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua việc thực hiện các dự án, đề án nông nghiệp, phát triển ngành nghề, nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, các tiêu chí về giáo dục, y tế, xây dựng đời sống văn hóa, giữ vững an ninh, trật tự… góp phần bảo đảm những điều kiện cho nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững.
Đào Nguyên
Bình luận (1)