Huyện Ngọc Hồi: Từng bước đưa công tác QLBVR đi vào nề nếp
Trước yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm huyện phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chủ động bám rừng, từng bước đưa công tác quản lý bảo vệ rừng đi vào nề nếp…
Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Phương án tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, Ban Thường vụ Huyện ủy Ngọc Hồi kiện toàn Ban chỉ đạo công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng các cấp; đồng thời ban hành Phương án tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản cấp huyện.
Theo đó, ở cấp huyện, Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban; Chủ tịch UBND huyện làm Phó ban trực và duy trì Tổ công tác quản lý bảo vệ rừng do Phó Chủ tịch UBND huyện làm Tổ trưởng; đồng thời ban hành Quy chế hoạt động một cách cụ thể. Ở cơ sở, các Đảng ủy, UBND xã, thị trấn cũng kiện toàn các ban chỉ đạo và tổ công tác bảo vệ và phát triển rừng theo cơ cấu tổ chức giống cấp huyện.
Trao đổi về việc thực hiện Phương án và hạ nhiệt cho rừng, ông Võ Thanh Thành-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện khẳng định, xác định tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng, kể từ khi thực hiện Phương án tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2020, Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với các cơ quan và UBND các xã, thị trấn tổ chức hơn 40 cuộc tuyên truyền nhằm góp phần làm cho người dân sống gần rừng nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Nhờ vậy, nhiều vụ khai thác, cất giấu, vận chuyển… lâm sản trái phép trên địa bàn được người dân báo lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương xử lý.
|
Trong quá trình thực hiện Phương án, UBND huyện tập trung chỉ đạo lực lượng kiểm lâm, các đồn biên phòng, UBND các xã và các chủ rừng mở nhiều cuộc tuần tra, truy quét các hành vi khai thác, cất giấu, vận chuyển lâm sản trái phép tại các điểm nóng và các khu vực trọng điểm như: xã Sa Long, Bờ Y, Đăk Xú, Đăk Nông và Đăk Dục. Đồng thời, để ngăn chặn việc khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, huyện cũng chú trọng chỉ đạo việc thành lập chốt quản lý bảo vệ rừng. Ngoài các chốt quản lý bảo vệ rừng do các chủ rừng lập, UBND huyện còn thành lập 2 chốt liên ngành quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện.
Đánh giá lại công tác bảo vệ rừng, ông Thành khẳng định, bằng các biện pháp quyết liệt trong công tác quản lý bảo vệ rừng, năm 2016, lực lượng kiểm lâm phối hợp với các cơ quan chức năng, các chủ rừng, UBND các xã, thị trấn phát hiện và xử lý 89 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu trên 500 m3 gỗ tròn các loại, 4 xe ô tô, 1 xe máy cày, 24 xe gắn máy, 17 cá thể động vật rừng... Tổng số tiền phạt các đối tượng vi phạm và tiền bán lâm sản nộp vào ngân sách Nhà nước 2,35 tỷ đồng (tiền các đối tượng nộp phạt 1,19 tỷ đồng và bán lâm sản tịch thu 1,16 tỷ đồng).
Công tác quản lý nương rẫy cũng được huyện chú trọng. Theo sự chỉ đạo của huyện và trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ được giao, Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với các cơ quan có liên quan và UBND các xã hướng dẫn người dân phát đốt, sản xuất nương rẫy theo quy định; khoanh vùng các khu vực trọng điểm, huy động các lực lượng phối hợp kiểm tra, giám sát, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm. Vì vậy, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện không để xảy ra tình trạng phá rừng làm nương rẫy và cháy rừng.
Chủ động bám rừng và thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm huyện phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan và chính quyền địa phương đang từng bước đưa công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản đi vào nề nếp.
Đào Nguyên