Huyện Ngọc Hồi: Phát huy các nguồn lực xây dựng nông thôn mới
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua, huyện Ngọc Hồi tập trung phát huy các nguồn lực và sức dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Việc xây dựng nông thôn mới có những chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế-xã hội ở địa phương.
Đến các xã thuộc huyện Ngọc Hồi: Sa Loong, Bờ Y, Đăk Kan, Đăk Xú, Đăk Dục, Đăk Ang… ở đâu chúng tôi cũng nhận thấy dấu ấn nông thôn mới. Từ những tuyến đường bê tông, trường học, tổ hợp tác, hợp tác xã, hàng rào, vườn rau, đến những vườn cao su, cà phê, tiêu… bắt nguồn từ phát huy các nguồn lực và sức dân xây dựng nông thôn mới.
Trao đổi về xây dựng nông thôn mới, ông Phan Văn Tiến - thôn trưởng thôn Cao Sơn, xã Sa Loong cho biết, phát huy các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, người dân bây giờ năng động hơn xưa. Các dân tộc Mường, Thái, Tày, Nùng, Kinh ở thôn đoàn kết cùng nhau chung sức xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh các nguồn vốn đầu tư của nhà nước, người dân còn đóng góp nhiều công sức và tiền của xây dựng nông thôn mới. Không chỉ bê tông hóa đường nội thôn, ở thôn Cao Sơn có hơn 40 hộ tự nguyện góp tiền bê tông đường vào khu sản xuất.
Phát huy sức dân xây dựng nông thôn mới, xã Bờ Y giúp dân vươn lên trong cuộc chiến giảm nghèo, nâng cao đời sống và làm giàu. Ông Trần Ngọc Anh - Chánh Văn phòng UBND xã Bờ Y cho biết, ở xã có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số như ông Thao Nhất (người Kà Doong, làng Iệc) có 3ha cao su, 1ha chanh dây thu 400-500 triệu đồng/năm; Quách Công Son (dân tộc Mường, làng Bắc Phong) có 15ha cao su, cà phê, tiêu… thu hàng tỷ đồng/năm. Sự vươn lên của các hộ là nhờ trong những năm qua địa phương tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp quyền sử dụng đất, tập huấn, đào tạo nghề và chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
|
Ở xã Bờ Y, Đăk Dục, Đăk Ang…, chính quyền quan tâm giúp dân xây dựng những tổ hợp tác sản xuất cà phê, nuôi bò, dệt thổ cẩm hoặc thành lập hợp tác xã sản xuất và kinh doanh… Bước đầu, nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã giúp bà con trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giữ gìn và phát huy nghề truyền thống.
Theo ông Trần Thanh Tùng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, với việc phát huy các nguồn lực và sức dân tham gia xây dựng nông thôn mới, việc xây dựng nông thôn mới ở huyện có những chuyển biến tích cực.
Về sản xuất nông nghiệp, các cây trồng chiến lược như cao su, cà phê, bời lời… có giá trị kinh tế cao phát triển nhanh. Tính đến nay, toàn huyện phát triển 7.846ha cao su (3.953ha cao su quốc doanh và 3.893ha cao su tiểu điền), 1.240ha cà phê, 2.235ha bời lời và ước khoảng 50ha tiêu… Trong chăn nuôi, đàn trâu trên 300 con, đàn bò 5.600 con và đàn heo gần 15.000 con.
Về hạ tầng kinh tế, trục đường xã đạt chuẩn 100%, trục đường thôn đạt 66%, đường ngõ xóm đạt 58% và trục đường nội đồng đạt 37%; 13 trường học (chiếm 50%) đạt chuẩn; 65 thôn có nhà văn hóa, khu thể thao sinh hoạt, trong đó có 30 thôn có nhà văn hóa, khu thể thao đạt chuẩn (chiếm 46%)… Cơ sở hạ tầng và bộ mặt nông thôn ngày càng hoàn thiện. Đời sống người dân nông thôn tiếp tục được nâng lên một bước.
Để việc xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào chiều sâu và chất lượng, thực hiện sự chỉ đạo của huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND huyện ban hành Đề án nâng cao sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016-2025. Trong việc thực hiện Đề án này, huyện tập trung vào các cây trồng chính như cà phê, cao su, bời lời, vùng nguyên liệu mì, giữ diện tích lúa; xây dựng cánh đồng lớn; phát triển nông nghiệp gắn với chế biến…
Khẳng định thêm tầm nhìn và hướng xây dựng nông thôn mới, ông Vương Văn Tuyên - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, huyện tiếp tục củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở đảm bảo đủ mạnh thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị - xã hội ở địa phương; xây dựng mô hình trang trại kết hợp sản xuất với chăn nuôi; phát triển vùng rau an toàn; dồn điền đổi thửa xây dựng cánh đồng mẫu lớn, áp dụng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, huyện tiếp tục huy động các nguồn lực và sức dân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và từng bước hoàn thiện các thiết chế văn hóa cơ sở; khôi phục các làng nghề dệt thổ cẩm, đan lát, các làn điệu dân ca, nhạc cụ truyền thống. Đối với việc khôi phục các làng nghề, huyện tập trung vào những địa điểm hướng đến phát triển du lịch cộng đồng như làng Đăk Mế (Bờ Y), Đăk Răng (Đăk Dục)…
Văn Nhiên