Huyện Ngọc Hồi: Nông dân ồ ạt trồng chanh dây
Thời gian gần đây, do giá chanh dây luôn duy trì ở mức cao nên nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Ngọc Hồi đã ồ ạt trồng loại cây này. Tuy nhiên, hiện tại thị trường chanh dây chưa ổn định, người dân thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật về chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh nên việc tăng nóng diện tích chanh dây sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Từ năm 2015, nhiều người dân trên địa bàn huyện Ngọc Hồi đã từng bước chuyển đổi các diện tích trồng mì, trồng cà phê già cỗi, trồng cao su kém hiệu quả sang trồng chanh dây. Song để thành phong trào phải đến năm 2016 và đặc biệt từ đầu năm đến nay, diện tích chanh dây trên địa bàn huyện tăng rất nhanh.
Ông Nguyễn Cường - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Hồi cho biết: Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện ước tính có khoảng 80ha chanh dây. Tuy nhiên, trên thực tế, con số này cao hơn nhiều và thay đổi từng ngày nên ngành Nông nghiệp cũng chưa thể thống kê hết. Diện tích chanh dây tập trung chủ yếu ở một số địa phương như xã Đăk Xú, Bờ Y, Đăk Kan...
Xã Bờ Y là địa phương dẫn đầu trong phong trào trồng chanh dây ở Ngọc Hồi. Tại đây, đi đến đâu, chúng tôi cũng thấy chanh dây, có vườn đang cho thu quả, có vườn cây mới chỉ lên giàn, có nơi vừa mới xuống giống, có chỗ nông dân còn đang đào hố, làm giàn để chuẩn bị trồng... Người có đất trồng chanh dây đã đành, người không có đất cũng tìm cách thuê đất trồng chanh dây... Toàn xã có khoảng 60ha chanh dây, trong đó riêng thôn Iệc có tới 40ha, các thôn khác rải rác cũng năm, bảy héc ta.
|
Anh Dương Văn Hữu – Trưởng thôn Iệc kể: Thời gian qua, thấy chanh dây được giá nên nhiều hộ dân trong thôn đua nhau trồng, có hộ đã chuẩn bị đất trồng cà phê nhưng lại chuyển sang trồng chanh dây, có hộ còn chặt bỏ cả vườn cao su 4 - 5 năm tuổi để chuyển sang trồng chanh dây. Một số hộ có diện tích trồng chanh dây lớn như nhà ông Nguyễn Thanh Toàn có đến 8ha, Vũ Bá Hải có 5ha, Nguyễn Thị Mai có 3ha, Nguyễn Quân có 2,7ha...
Theo tính toán của các hộ nông dân, trồng chanh dây không tốn nhiều chi phí đầu tư, lại nhanh được thu; mỗi héc ta chỉ cần bỏ ra khoảng 40 - 50 triệu đồng mua cây giống, mua dây thép, cây cột làm giàn, sau 6 tháng sau trồng, nông dân đã bắt đầu thu hái, chu kỳ khai thác của loại cây này kéo dài tới 3 năm. Vốn đầu tư ít, chăm sóc cũng đơn giản, chủ yếu là cần có nước tưới, giá thành sản phẩm lại khá cao (hiện tại khoảng 15.000 đồng/kg) nên nhiều hộ nông dân đã đặt niềm tin vào loại cây trồng này.
Anh Phạm Nam Tước (thôn Ngọc Hải, xã Bờ Y) chia sẻ: Thấy cây chanh dây mang lại lợi nhuận cao nên tôi đã đầu tư trồng hơn 4 sào. Đến nay, những cây lớn đã bắt đầu cho quả. Với giá chanh dây được thương lái thu mua trung bình từ 15.000– 20.000 đồng/kg, chưa kể có thời điểm lên đến 35.000 – 40.000đồng/kg; mỗi héc ta chanh dây trừ năm đầu ra quả bói sản lượng còn thấp, lợi nhuận chưa cao, còn từ năm thứ 2 đến năm thứ 3 nếu chăm sóc đầy đủ, bình quân có thể đem lại sản lượng 60 - 70 tấn/năm, như vậy người trồng sẽ thu lãi lớn nên có thể nói đây là cây siêu lợi nhuận.
Mặc dù cây chanh dây đang được cho là cho lợi nhuận lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên, mặt hàng chanh dây hiện cũng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bởi thị trường tiêu thụ sản phẩm này hết sức bấp bênh, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái thu mua tự do, giá cả cũng do thương lái điều tiết. Do đó, khi nguồn cung ít thì giá chanh dây sẽ được đẩy lên cao và ngược lại khi nguồn cung dồi dào, giá chanh dây sẽ lập tức bị hạ xuống. Và thực tế, mấy năm qua, điều này cũng đã diễn ra trên địa bàn tỉnh.
Còn nhớ, năm 2009, từ khoảng giữa năm, giá chanh dây đang từ mức 8.000 - 9.000 đồng/kg bỗng tăng vọt lên 20.000 - 22.000 đồng/kg, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã đua nhau trồng chanh dây, nhưng sau đó không lâu giá lại đột ngột giảm xuống chỉ còn 6.000-7.000 đồng/kg, thậm chí thấp hơn, đầu ra sản phẩm gặp nhiều khó khăn khiến không ít hộ điêu đứng vì chanh dây. Đầu năm 2016, giá chanh dây cũng chỉ mức 10.000- 15.000 đồng/kg, sau đó, bất ngờ tăng lên tới mức 35.000 - 40.000 đồng/kg; tuy nhiên, sau đó đến cuối năm giá chanh dây lại quay đầu sụt giảm và hiện tại chỉ còn khoảng 15.000 đồng/kg.
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Hồi, cây chanh dây chưa được đưa vào quy hoạch cây trồng của huyện, đa số nông dân trồng chanh dây trên địa bàn đều chạy theo thời vụ, tập trung phát triển nóng diện tích nhưng lại thiếu kỹ thuật trồng, chăm sóc, trong khi cây chanh dây rất dễ bị nhiễm các bệnh bã trầu, lở cổ rễ, nhiễm virus... Do đó, việc phát triển tràn lan diện tích sẽ kéo theo nhiều mối nguy hại. Nếu bị nhiễm bệnh, không chỉ diện tích chanh dây đang trồng mới bị ảnh hưởng mà còn để lại mầm bệnh trong đất gây hệ luỵ cho cây trồng sau này. Chưa kể, việc ồ ạt mở rộng diện tích chanh dây cũng sẽ lấn chiếm đất trồng của các loại cây khác, ảnh hưởng đến quy hoạch nông nghiệp.
Không thể phủ nhận hiệu quả kinh tế mà cây chanh dây đã và đang mang lại, nhưng người dân cũng cần cân nhắc khi mở rộng diện tích, không chỉ vì thấy lợi trước mắt mà phát triển loại cây trồng này một cách ồ ạt theo kiểu trào lưu. Bên cạnh đó, ngành chức năng của huyện cũng cần có giải pháp giúp người nông dân hướng đến phát triển bền vững.
Hương Nga