Huyện Đăk Hà thực hiện có hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi
Trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn, huyện Đăk Hà đã tích cực đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, bền vững. Việc chuyển đổi này cùng với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã đưa sản xuất nông nghiệp ở địa phương có bước phát triển mới.
|
Theo ông Nguyễn Thành Trung - Chủ tịch UBND huyện, để công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, bền vững đi vào đời sống, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ chủ trương, chính sách; đồng thời xây dựng kế hoạch hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo từng năm, từng giai đoạn. Khi người dân nắm bắt được chủ trương, chính sách, huyện hỗ trợ dân xây dựng các mô hình trình diễn, thử nghiệm để làm cơ sở nhân ra diện rộng.
Theo đó, huyện xây dựng được tập đoàn giống cây trồng mới có năng suất cao và chất lượng đưa vào sản xuất trên địa bàn. Tập đoàn giống cây trồng mới gồm: lúa lai Nhị ưu 838, Tạp giao 1, Tạp giao 5, VND 95- 20, giống lúa thơm HT1, Vĩnh phúc 1, Vĩnh phúc 2, Hoa ưu, KD 28; bắp lai VN10, CP 888 CP989, CP999, DK171; đậu tương DT 90, DT 12; khoai tây VT2, Diamant; mỳ cao sản KM94, KM98; giống mía QĐ15, QĐ86368, VD79- 177, VD81- 3254; cà phê viện EkaMat; cao su PB260, PRIW4; thanh long ruột đỏ…
Các loại cây trồng trên được huyện tập trung chỉ đạo, ưu tiên đầu tư hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho dân phát triển nhanh về số lượng và chất lượng. Ngay cả vùng đồng bào DTTS, người dân đã sử dụng 100% cao su giống mới, 100% giống mỳ cao sản, 86% giống lúa mới, 80% giống bắp lai... vào sản xuất.
Trong chuyển đổi cây trồng, huyện khuyến khích nhân dân chuyển đổi diện tích các loại cây trồng kém hiệu quả, thiếu bền vững như lúa rẫy, mỳ sang trồng các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế. Theo đó, việc phát triển cây cà phê được huyện hỗ trợ, tuyển chọn các loại giống cà phê ghép năng suất, chất lượng cao thay thế dần cây cà phê già cỗi, kém chất lượng. Ngoài việc tái canh cà phê gia cỗi, huyện vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng mới.
Vì vậy, đến nay, huyện phát triển được 7.800ha cà phê, tăng 9,39% so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Cây cao su có bước phát triển mạnh, với diện tích tăng từ 5.275,4ha năm 2010 lên 7.000ha năm 2014. Cây bời lời cũng được ưu tiên phát triển, đến nay, toàn huyện phát triển được 2.147,11ha bời lời. Diện tích lúa nước từ 2.929ha năm 2011 tăng lên 3.201,5ha năm 2014. Trong khi đó, diện tích cây mỳ từ 4.013ha năm 2011 giảm xuống còn 3.740ha năm 2014, phù hợp với định hướng của địa phương. Diện tích bắp năm 2014 đã gieo trồng 300ha, giảm 39,4 ha so với năm 2011. Diện tích bắp giảm do một bộ phận diện tích ở thị trấn, xã Đăk Hring, Đăk Ui, Đăk Mar nằm trong vùng bán ngập.
Trong chuyển đổi, sản xuất nông nghiệp ngày càng được cơ giới hóa ở nhiều khâu, công đoạn như: sử dụng máy cày rạch hàng, phay xốp đất cà phê thay cuốc hố, cuốc xốp; dùng máy làm cỏ giảm dần làm cỏ bằng tay; sử dụng điện thay cho việc sử dụng xăng dầu để tưới cà phê góp phần giảm chi phí sản xuất; dùng máy cày, bừa làm đất lúa thay thế cho trâu, bò; sử dụng máy gặt đập liên hợp thay cho gặt bằng tay… nâng cao năng suất lao động. Các biện pháp canh tác mới cũng được sử dụng trong sản xuất như: phủ màng ni-lông nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất và tiết kiệm nguồn nước tưới; sử dụng các loại chế phẩm sinh học trên cây lúa, cà phê, mỳ để tăng năng suất cây trồng.
Trong chăn nuôi, huyện thực hiện có hiệu quả các mô hình cải tạo đàn bò địa phương, trồng cỏ chăn nuôi, vỗ béo bò trước khi xuất bán thịt; mô hình nuôi heo theo hướng trang trại; mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện, hồ chứa lớn. Việc sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn, gia cầm… cũng được huyện triển khai khá tốt, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cùng với việc ứng dụng khoa học vào sản xuất đã đưa sản xuất nông nghiệp ở địa phương phát triển, tích cực góp phần vào việc giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân một cách bền vững hơn.
Văn Nhiên