Huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới ở xã Đăk Môn
Nằm ở khu vực biên giới, xã Đăk Môn (huyện Đăk Glei) có 87,9% số hộ là đồng bào DTTS, cơ sở hạ tầng và đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Để đẩy mạnh việc xây dựng nông mới, xã đã huy động sức dân đột phá vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Vì vậy, tính đến nay, xã đã đạt được 10 tiêu chí nông thôn mới và phấn đấu đến năm 2015 sẽ đạt chuẩn.
|
Đột phá vào hạ tầng
Xác định khâu đột phá trong lĩnh vực hạ tầng, xã Đăk Môn đã phân công cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo, Ban quản lý Chương trình để tuyên truyền, vận động nhân dân thi đua xây dựng nông thôn mới bằng các hình thức cụ thể như hiến đất, vật kiến trúc, góp sức làm đường giao thông nông thôn, nước tự chảy, thủy lợi… Vì thế, phong trào đã được người dân các thôn đồng tình hưởng ứng.
Đến Đăk Môn trong những ngày này, chúng tôi chứng kiến không khí thi đua xây dựng nông thôn mới diễn ra ở nhiều khu dân cư. Trên tuyến đường bê tông từ khu dân cư dẫn ra khu sản xuất, ông A Văn - Trưởng thôn Ri Nầm hồ hởi: Nhà nước hỗ trợ xi măng, sắt thép, cát, sỏi, còn thôn huy động người dân góp công xây dựng tuyến đường bê tông dài 0,5km bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật theo thiết kế. Người dân tham gia xây dựng tuyến đường này còn được Nhà nước hỗ trợ 180 nghìn đồng/ngày công lao động. Bà con rất phấn khởi.
Có đường bê tông, thôn Ri Nầm trở nên khang trang hơn. Ông A Thi - người dân ở đây khoe: Trước đây khi chưa bê tông, mùa khô đường đầy bụi bặm; mùa mưa thì lầy lội, rất khó đi. Bây giờ đường đi lại, chở nông sản rất thuận lợi.
Tại thôn các Ri Mẹt, Đăk Xam, người dân góp công đào đắp và lắp đặt đường ống dẫn nước sạch đến nhà. Lấy tay vốc nguồn nước từ bồn chứa, chị Y Nhum (thôn Ri Mẹt) cười tươi, nói: Nước trong và mát. Dân làng đã lập tổ bảo vệ công trình cấp nước và thường xuyên kiểm tra nước ở đầu nguồn, sửa chữa đường ống dẫn nước. Vì vậy, công trình cấp nước trong thôn luôn bảo đảm cho người dân.
Xác định xây dựng nông thôn mới là cuộc cách mạng, xã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, vận động người dân lấy sức dân để xây dựng cuộc sống cho dân. Trong việc huy động sức dân, chỉ tính riêng người dân thôn Đăk Xam và Ri Mẹt đã đóng góp hơn 800 ngày công để đào, đắp lắp đặt đường ống dẫn nước; thôn Ri Nầm hơn 600 ngày công làm đường bê tông nội thôn.
Theo ông Lê Hải Lâm - Chủ tịch UBND xã Đăk Môn, hiện nay xã đang tiếp tục vận động nhân dân bỏ công làm đường giao thông ở thôn Nu Kôn, đồng thời sửa chữa 12 nhà rông/12 thôn và xây dựng sân bóng chuyền, bóng đá từ nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới.
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi
Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở xã trong những năm qua được xã tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh. Trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã xác định cây cao su là mũi đột phá để giúp người dân giảm nghèo, nâng cao đời sống. Để phát triển mạnh cây cao su, xã phối hợp với các ban, ngành ở huyện đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Đề án cao su tiểu điền, tạo điều kiện cho người dân vay vốn ưu đãi, mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng và cạo mủ cao su. Bằng những nỗ lực này, đến nay xã đã phát triển được gần 1.000ha cao su, trong đó có gần 600ha cao su tiểu điền. Những năm gần đây, nhiều diện tích cao su tiểu điền ở địa phương đã đi vào khai thác. Mặc dù giá cao su xuống thấp, nhưng nhiều hộ vẫn có thu nhập 300-400 nghìn đồng/ngày từ cao su.
Ngoài cây cao su, người dân còn phát triển 313ha bời lời, hơn 20ha cà phê, 110,7ha lúa ruộng, hơn 40ha bắp, 723,9ha mỳ… Các loại cây trồng ngày càng được người dân chú trọng đi vào thâm canh và ứng dụng giống mới vào sản xuất.
Trong chăn nuôi, xã vận động nhân dân phát triển mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tính đến thời điểm này, xã phát triển đàn bò 464 con, đàn dê gần 100 con, đàn heo 1.400 con và đàn gia cầm hơn 5.500 con.
Với việc huy động sức dân đột phá vào lĩnh vực hạ tầng và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã Đăk Môn hiện đã đạt 10 tiêu chí nông thôn mới và phấn đấu đến năm 2015 đạt chuẩn nông thôn mới.
Văn Nhiên