Hướng mở cho gạch không nung
Để thực hiện lộ trình xoá bỏ lò gạch thủ công, khuyến khích sản xuất và sử dụng gạch không nung, những năm qua, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, người dân thực hiện mục tiêu này.
Đặc biệt, mới đây, tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể hoá từng việc làm, biện pháp thực hiện nhằm hướng đến mục tiêu đẩy mạnh sản xuất gạch không nung, sẽ xoá bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công vào năm 2025.
Theo thống kê của UBND tỉnh, hiện nay, tổng sản lượng sản xuất gạch xây dựng trên địa bàn tỉnh khoảng 194,79 triệu viên/năm. Trong đó, lượng gạch tuynel đáp ứng được khoảng 50 triệu viên do 4 nhà máy sản xuất; gạch không nung cũng có 4 nhà máy sản xuất với công suất khoảng 30 triệu viên/năm; còn lại khoảng 114,79 triệu viên/năm là do các lò gạch thủ công cung cấp. Toàn tỉnh hiện có 205 cơ sở và 1 hợp tác xã sản xuất gạch đất sét nung với 313 lò thủ công; trong đó, thành phố Kon Tum có 202 cơ sở và 1 hợp tác xã với 310 lò; huyện Sa Thầy có 3 cơ sở thuộc hộ cá thể với 3 lò.
|
Phát triển gạch không nung, từng bước thay thế gạch thủ công, tiến tới chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công là mục tiêu của tỉnh. Nhằm cụ thể hoá mục tiêu này, ngày 7/3/2018, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 584-KH/UBND về việc phát triển vật liệu không nung đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và lộ trình giảm dần, chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Mục tiêu mà tỉnh đề ra là phát triển sản xuất và sử dụng loại vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ tối thiểu 40% vào năm 2020; sử dụng phế thải công nghiệp có sẵn tại địa phương để sản xuất vật liệu xây dựng không nung, hạn chế sử dụng cát tự nhiên. Đồng thời, từng bước tiến tới chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục và lò vòng sử dụng nhiên liệu hoá thạch nhằm tiết kiệm đất nông lâm nghiệp, giảm thiểu khí thải ra môi trường; ngăn chặn những tiềm ẩn, nguy cơ gây thiệt hại về người trong quá trình khai thác, sử dụng các lò thủ công sản xuất vật liệu xây dựng.
Theo kế hoạch, năm 2018 toàn tỉnh sẽ giảm 107 lò gạch thủ công với sản lượng gạch sét nung giảm 38,57 triệu viên; năm 2019 sẽ giảm tiếp 72 lò với sản lượng giảm 26,67 triệu viên; năm 2020 sẽ giảm thêm 67 lò nữa với sản lượng giảm 24,79 triệu viên và đến năm 2025 sẽ xoá bỏ toàn bộ lò gạch thủ công.
Song song với việc cắt giảm lượng gạch đất sét nung thủ công, tỉnh đặc biệt chú trọng đến việc phát triển gạch không nung. Theo đó, cùng với các doanh nghiệp hiện có từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai 7 dự án đã được các doanh nghiệp xin chủ trương đầu tư, đảm bảo đến năm 2020 đạt sản lượng 150 triệu viên. Tại tất cả các địa phương đều có các dây chuyền sản xuất gạch không nung để đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng trên địa bàn.
|
Đối với sản xuất gạch tuynel, năm 2018 và các năm tiếp theo, vẫn tiếp tục giữ ổn định sản xuất, đảm bảo sản lượng đến năm 2020 đạt khoảng 110 triệu viên.
Để thực hiện được mục tiêu này, giải pháp mà tỉnh đề ra là tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu và nhận thức đúng về việc sử dụng vật liệu xây dựng không nung thay thế cho gạch đất sét nung. Đối với các hộ cá thể sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, có thể chuyển đổi thành mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất gạch nung theo công nghệ mới.
Để khuyến khích sản xuất gạch không nung, khâu tiêu thụ sản phẩm cũng được tỉnh rất quan tâm. Theo đó, đối với các công trình được đầu tư xây dựng bằng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn hơn 30% trên địa bàn tỉnh bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây dựng không nung theo tỷ lệ 70% trong tổng vật liệu xây dựng đối với các công trình ở địa bàn thành phố Kon Tum, các huyện là 50%. Đặc biệt, đối với các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên phải sử dụng tới 80% vật liệu xây dựng không nung trong tổng số vật liệu.
Chủ trương đẩy mạnh sản xuất gạch không nung, xoá bỏ lò gạch thủ công theo lộ trình là việc làm cần thiết để giúp các cơ sở, hộ cá thể sản xuất gạch đất sét nung thủ công từng bước chuyển đổi ngành nghề, có điều kiện đầu tư dây chuyền sản xuất mới phù hợp, đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng. Đồng thời, giúp doanh nghiệp, người dân từng bước thích ứng với loại vật liệu mới. Có như vậy, việc thực hiện mục tiêu này mới ổn định, bền vững.
Thiên Hương