Hợp sức trẻ làm dự án lớn
Với ý tưởng chế biến mủ nước cao su thành mủ tờ xông khói, tạo ra khối lượng sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, 4 thanh niên nông dân trên địa bàn huyện Đăk Hà đã hợp sức, cùng nhau xây dựng cơ sở sơ chế mủ cao su tại thôn Hải Nguyên (xã Hà Mòn). Đến nay, cơ sở đang trong quá trình hoàn thiện, đến cuối tháng 4 sẽ chính thức đi vào hoạt động.
Khởi nghiệp từ… thu mua mủ
Cơ sở sơ chế mủ cao su của 4 chàng thanh niên trẻ rộng khoảng 2.400m2, nằm ở vị trí xa dân cư của thôn Hải Nguyên, cách UBND xã Hà Mòn khoảng 5km về phía bắc. Hôm chúng tôi đến, cả nhóm đang tất bật hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải với diện tích khoảng 150m2 trước khi đi vào hoạt động.
Đứng bên mô hình được đầu tư với khoảng 3 tỷ đồng, 4 chàng “ngự lâm” trong độ tuổi từ 27-35 niềm nở tiếp khách. Anh Đỗ Doãn Linh, 1 thành viên trong nhóm xởi lởi: Đi thu, nhập mủ cao su, 4 anh em mới gặp gỡ và quen biết. Cùng niềm tin và ý chí quyết tâm, chúng tôi hợp sức lại cùng làm.
Trước đây, trong quá trình đi thu mua, nhận thấy chi phí vận chuyển cao lại quá vất vả, anh Linh liền nghĩ bụng: Tại sao không làm cơ sở chế biến mủ nước thành mủ tờ xông khói rồi bán ra thị trường để có giá trị kinh tế cao hơn?
Anh đem điều mình nghĩ nói với 3 người bạn cùng làm nghề thu mua mủ trên địa bàn huyện: anh Lương Xuân Thủy ở thôn Thanh Xuân, xã Đăk Ngọc; anh Phạm Văn Tùng ở thôn 2, xã Hà Mòn và anh Phạm Văn Hòa ở tổ dân phố 2B, thị trấn Đăk Hà.
Nhận thấy cao su là cây trồng được đánh giá cao về tính bền vững, hiệu quả kinh tế và môi trường sinh thái. Hơn nữa, huyện Đăk Hà có diện tích khoảng 7.220ha cây cao su là một lợi thế lớn. Thêm vào đó, trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều các cơ sở chế biến mủ cao su, suy đi tính lại, thấy ý tưởng hợp lý, khả thi nên cả nhóm bàn bạc, vạch kế hoạch thực hiện.
|
Nghĩ là làm, khoảng tháng 7/2017, 4 chàng trai bắt xe vào tỉnh Bình Phước tìm hiểu mô hình hoạt động, quy trình sản xuất của các cơ sở chế biến mủ cao su và các công ty chuyển giao công nghệ.
Tại đây, nhóm được Công ty TNHH TM&DV Kim Chi hướng dẫn, đồng ý cử cán bộ sang tận nơi chuyển giao công nghệ và làm hợp đồng bao tiêu sản phẩm…
Nắm được quy trình, trở về, cả nhóm vừa tiếp tục quá trình thu mua mủ để giữ mối vừa bắt tay vào thực hiện. Hiểu cách làm nhưng bí cách thể hiện trên giấy, cả nhóm cùng kết hợp với chị Trần Thị Yến – Phó Bí thư Huyện đoàn Đăk Hà để viết, lên kế hoạch.
“Thấy ý tưởng hay, thiết thực, tôi động viên tinh thần, hướng dẫn, giúp đỡ các anh làm các thủ tục, hồ sơ để đảm bảo cơ sở pháp lý trong quá trình thực hiện. Hơn nữa, bản thân tôi cũng trực tiếp cùng với các anh viết, xây dựng dự án cụ thể với mong muốn sẽ tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của Trung uơng đoàn” – chị Yến cho hay.
Vẫn khó về vốn
Được hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình của chị Yến cũng như Huyện đoàn Đăk Hà, có thêm động lực, cả nhóm cùng huy động, góp vốn vào làm.
Dự kiến tổng số vốn thực hiện đề án khoảng 3 tỷ đồng, 4 thành viên, mỗi thành viên góp vào 500 triệu và 1 tỷ còn lại, cả nhóm tính sẽ thu hút nhà đầu tư.
|
“Giai đoạn 1, chúng tôi tính toán, góp 2 tỷ để xây dựng cơ sở hạ tầng, kho chứa bảo quản sản phẩm và mua sắm trang thiết bị. Trong giai đoạn thứ 2, chúng tôi hi vọng thu hút được nhà đầu tư vào 1 tỷ để tiến hành đi vào hoạt động” - anh Linh cho biết.
Từng bước được vạch ra cụ thể, tuy nhiên, việc góp vốn không giản đơn. “Số tiền 500 triệu đồng đối với một thanh niên 27 tuổi như tôi không nhỏ nhưng với ý chí cao, tính toán cụ thể, tôi mạnh dạn vay mượn thêm để cùng đầu tư, tìm hướng đi mới” – anh Phạm Văn Hòa chia sẻ.
Có vốn, được sự hỗ trợ từ phía Công ty TNHH TM&DV Kim Chi, cả nhóm liền xây dựng nhà xưởng, xây lò sấy, hệ thống xử lý nước thải, kho chứa hàng, sân phơi, diện tích giao thông nội bộ, cây xanh, thảm cỏ… để đảm bảo cho quá trình hoạt động.
Cùng với đó, đến nay, cả nhóm đã mua được 4 máy: máy cán mủ tờ, máy cán mủ tạp, máy ép kiện và máy cưa lạng, đồng thời mua thêm 2 xe vận chuyển mủ với giá khoảng 400 triệu (ngoài 500 triệu, các thành viên tự góp thêm để mua – PV).
Các thành viên trong nhóm cho biết, thực hiện dự án này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho bản thân các thành viên trong nhóm mà còn giải quyết được khoảng 30 nhân công tại địa phương.
“Chúng tôi sẽ xây dựng khu ở, đảm bảo việc sinh hoạt cho công nhân. Hiện nay, việc xây dựng đã hoàn thiện được 80%, tuy nhiên, nhóm đang gặp khó khăn về nguồn vốn. Nếu được đầu tư vốn, chúng tôi sẽ hoàn thiện sớm hơn” – anh Lương Xuân Thủy, thành viên trong nhóm cho biết.
Các khâu chuẩn bị đang được hoàn thiện, khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5, khi vụ cao su mới bắt đầu, cơ sở sơ chế mủ cao su tại thôn Hải Nguyên của 4 chàng thanh niên sẽ đi vào hoạt động. Theo dự tính, trong năm 2018, khi đi vào hoạt động, cơ sở thu khoảng 1.000 tấn mủ nước, chế biến được 300 tấn mủ tờ xông khói, sau khi trừ chi phí mua sản phẩm của thành viên, dự kiến đạt doanh thu 500 triệu đồng.
Đến nay, qua một chặng đường thực hiện, các thành viên vẫn xác định, trước mắt sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng ai nấy đều đồng lòng, đồng sức. Anh Linh nói rằng, cả nhóm không lo về nguồn cung bởi trước đây 4 anh em đã tiến hành thu mua tại các điểm trên địa bàn huyện, và sau này, sẽ mở rộng cũng như thu hút thêm. Nhóm cũng không lo vấn đề đầu ra, bởi đã có Công ty bao tiêu sản phẩm.
“Sản phẩm chế biến đang tập trung ở 4 dạng chính: mủ dạng khối, mủ tờ xông khói RSS, mủ latex và các loại khác. 70% sản phẩm mủ chế biến dùng để sản xuất lốp xe, còn lại là hàng gia dụng, giày dép, đồ chơi trẻ em…” – anh Linh cho hay.
Những ý tưởng được vạch ra đang dần được các thanh niên trẻ đưa vào thực tế. Tuổi trẻ, hoài bão lớn, với sự quyết tâm cao, hi vọng “4 chàng ngự lâm” sẽ được tiếp thêm sức để khởi nghiệp thành công.
An Thành