Hội Nông dân thành phố Kon Tum: “Bà đỡ” cho nông dân phát triển kinh tế
Thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân thành phố Kon Tum đã vận động hội viên, nông dân tích cực hưởng ứng tham gia phong trào và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Với vai trò trung tâm và nòng cốt, các cấp Hội Nông dân thành phố đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức được 118 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp cho gần 4.000 lượt hội viên nông dân; tổ chức 3 đợt tham quan, 29 hội nghị, hội thảo đầu bờ để nông dân có điều kiện trao đổi, học hỏi kinh nghiệm sản xuất của các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; mở các lớp dạy nghề cho trên 700 hội viên nông dân.
Hội vận động, xúc tiến thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác giúp nhau ngày công lao động, giúp vốn, giúp cây con giống; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thành lập 43 tổ tiết kiệm và vay vốn tín chấp giúp nông dân vay trên 28 tỷ đồng phát triển sản xuất. Hội còn phát động phong trào hộ khá, hộ giàu, hộ sản xuất kinh doanh giỏi nhận giúp từ 1-2 hộ nghèo phát triển sản xuất để vươn lên thoát nghèo. Trong giai đoạn 2012-2016, đã giúp 655 hội viên nông dân thoát nghèo, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo thành phố xuống còn 4%.
|
Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của nông dân; phát huy nội lực, thúc đẩy việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng hộ gia đình ở nông thôn trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi, mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích sản xuất theo hướng tăng mạnh cây công nghiệp mũi nhọn như cao su, cà phê, mía..., hình thành những vùng chuyên canh, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa ngày càng lớn. Nhờ vậy, diện tích cao su tăng mạnh từ trên 8.000ha (năm 2012) lên trên 9.700ha năm 2016. Nhiều hộ đã mạnh dạn trồng thử nghiệm thanh long ruột đỏ, nuôi heo rừng, chim cút... cho thu nhập cao trong khi tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm thường xuyên xảy ra; đã góp phần đưa tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố phát triển trên 300.000 con/năm.
Khi tham gia phong trào, nông dân có dịp tiếp xúc, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất giữa nông dân với nông dân, xác định được phương hướng sản xuất, từng bước vươn lên hộ khá, giàu.
Điển hình như hộ bà Trần Thị Sáu (xã Kroong) có tổng diện tích sản xuất 14ha (cao su 6ha, bời lời 4ha, mỳ 4ha và buôn bán các mặt hàng nông sản), sau khi trừ chi phí đầu tư cho thu nhập 400 triệu đồng/năm. Hộ Lê Thế Trình (thôn Nghĩa An, xã Ia Chim) có 8ha cao su kinh doanh, 2ha cà phê kinh doanh, kinh doanh dịch vụ phân bón, thu lãi 500 triệu đồng/năm...
Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã tạo được sự liên kết trong sản xuất giữa nông dân với nhà doanh nghiệp; tiêu biểu là liên kết giữa Công ty Cao su với nông dân trong việc trồng và khai thác cao su, liên kết giữa Nhà máy Đường Kon Tum với nông dân trong việc trồng mía, thu mua mía và chế biến đường.
Ông Nguyễn Văn Bé – Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Kon Tum cho biết: Để trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, các hộ nông dân đã phát huy ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, không ngừng học hỏi kinh nghiệm, áp dụng những tiến bộ khoa học – kỹ thuật mới vào sản xuất, hợp tác tương trợ giúp đỡ lẫn nhau vì lợi ích của bản thân, lợi ích của cộng đồng.
Có thể khẳng định, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng” đã góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội nông thôn.
Cao Cường