Hoạt động kinh doanh sau tết: Hàng hoá ế ẩm, dịch vụ đắt khách
Nếu như thời điểm trước tết, hoạt động kinh doanh, buôn bán trên địa bàn tỉnh diễn ra rất sôi động thì sau tết việc kinh doanh lại khá trầm lắng, nhiều ngành hàng, mặt hàng rơi vào tình cảnh ế ẩm, vắng khách. Tuy nhiên, ngược lại, các dịch vụ ăn uống, giải trí lại rất nhộn nhịp, hút khách.
Theo khảo sát của phóng viên, mặc dù đã là trung tuần tháng Giêng, nhưng tình hình kinh doanh, mua bán tại các chợ, cửa hàng trên địa bàn thành phố Kon Tum cũng không mấy nhộn nhịp. Tại một số huyện như Đăk Hà, Sa Thầy, thực trạng này cũng diễn ra tương tự.
Phần lớn, hoạt động mua bán ở các chợ chỉ diễn ra chớp nhoáng trong buổi sáng và lúc chiều muộn, sức mua chủ yếu rơi vào nhóm hàng thực phẩm thiết yếu như lương thực, thực phẩm, rau xanh và những mặt hàng phục vụ cúng lễ đầu năm như hàng mã hoa tươi. Nguồn cung hàng hoá tương đối dồi dào, giá cả cũng ổn định, nhưng sức mua của người dân không cao lắm.
Nếu như trước Tết Nguyên đán, không khí mua bán nhiều mặt hàng như may mặc, thời trang, điện tử... diễn ra nhộn nhịp, tất nập bao nhiêu, thì sau tết sức mua của những mặt hàng này lại càng trở nên ảm đạm bấy nhiêu, tình trạng vắng vẻ, ế ẩm diễn ra cả ở siêu thị, cửa hàng đến các chợ
Đìu hiu nhất phải nói tới là hoạt động kinh doanh của các cửa hàng, khu vực bán hàng may mặc, thời trang. Tại chợ Trung tâm thương mại, rất nhiều tiểu thương kinh doanh quần áo, giày dép chỉ ra mở hàng để lấy ngày rồi lại đóng sạp bởi không có người mua.
|
Chị Linh - một tiểu thương kinh doanh quần áo tại chợ Trung tâm thương mại cho biết, năm nào cũng vậy, mỗi khi vào dịp sau Tết Nguyên đán thì tình trạng buôn bán lại rơi vào ế ẩm. Nguyên nhân là do những người có nhu cầu hầu như đã mua hết vào trước tết nên lượng khách hàng mua sắm sau tết rất hạn chế.
Các cửa hàng điện tử, điện máy cũng trong tình cảnh đìu hiu vắng khách. “Hàng điện tử, điện máy ở đây chỉ đắt hàng dịp trước tết hoặc sau mùa thu hoạch nông sản. Giờ mỗi ngày chỉ có một vài khách đến mua những mặt hàng lặt vặt như nồi cơm điện, ấm điện, bếp từ… Chắc phải chờ đến mùa nóng đồ điện dân dụng mới sôi động trở lại” – anh Nguyễn Phước Duyên (chủ cửa hàng điện máy Duyên trên đường Lê Hồng Phong) chia sẻ.
Không riêng gì các mặt hàng thời trang hay điện máy mà rất nhiều mặt hàng, hoạt động kinh doanh vẫn chưa trở về nhịp thường ngày như buôn bán xe máy, vật liệu xây dựng. Cũng vì nắm rõ quy luật, tháng Giêng người dân ít mua sắm nên rất nhiều cửa hàng đến nay cũng chưa vội mở cửa bán hàng.
Trái ngược với sự ảm đạm của các cửa hàng kinh doanh thời trang, điện máy... thì quán ăn, cà phê, karaoke lại rất hút khách. Lượng khách trong những ngày sau tết tăng cao bởi theo lý giải của một số người kinh doanh thì sau tết, đầu năm nhiều người có tư tưởng xả hơi, ăn tết dài; mặt khác, có nhiều công việc sau tết khá nhàn nhã nên người dân có thời gian đến các cửa hàng ăn uống, giải trí. Một số quán ăn, cà phê có tăng giá nhẹ vào những ngày đầu năm nhưng sau đó đã nhanh chóng trở lại mặt bằng giá như ngày bình thường.
Dù hoạt động kinh doanh sau tết có những diễn biến trái chiều, nơi nhộn nhịp, chỗ vắng vẻ; song điều đáng mừng là giá cả tất cả các loại hàng hoá hầu như đều giữ ở mức ổn định, ít xảy ra tình trạng tăng giá vô tội vạ.
Ngọc Thắng