Hỗ trợ sinh kế giúp người dân thoát nghèo
Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn huyện Kon Rẫy tích cực triển khai dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, giúp các hộ nghèo, cận nghèo có thêm điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững.
Theo ông Lê Văn Dẫu - Phó trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Kon Rẫy, Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo là Dự án 2 thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và được ngân sách nhà nước bố trí vốn từ năm 2022, đối tượng thụ hưởng dự án là hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo. Theo đó, đối tượng hưởng lợi từ dự án sẽ được hỗ trợ về: Vật tư, nguyên liệu, công cụ, trang thiết bị phục vụ sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi; chuyển giao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới trong sản xuất; tập huấn kỹ thuật sản xuất. Vì vậy, với hơn 3,9 tỷ đồng nguồn ngân sách hỗ trợ Dự án 2 trong năm 2022 - 2023, huyện Kon Rẫy đã xây dựng 16 mô hình đa dạng hóa sinh kế, trong đó, chủ yếu là mô hình chăn nuôi bò sinh sản với 116 hộ tham gia, hiện nay đã cấp 116 con bò cho các hộ dân tham gia dự án. Còn lại là mô hình trồng cây ăn quả (cây sầu riêng, mít Thái) với 248 hộ tham gia; mô hình trồng cây mắc ca với 121 hộ tham gia và mô hình cây cao su với 20 hộ tham gia.
|
Là một trong những hộ nghèo được lựa chọn tham gia dự án, năm 2023, gia đình ông A Preh (69 tuổi, ở thôn 10, xã Đăk Ruồng) được hỗ trợ 1 con bò cái sinh sản. Ông A Preh chia sẻ: Gia đình tôi thu nhập chủ yếu dựa vào lúa, mì nên quanh năm vẫn còn khó khăn. Từ khi gia đình được tham gia dự án, tôi chủ động xây dựng chuồng trại phù hợp và trồng thêm 1 sào cỏ voi để phục vụ chăn nuôi bò. Sau khi được hỗ trợ 1 con bò cái, gia đình đã mang đi phối giống, đến nay, con bò phát triển rất tốt và đẻ 1 con bê. Gia đình tôi sẽ tiếp tục chăm sóc để đàn bò khỏe mạnh, tạo sinh kế bền vững, phấn đấu vươn lên thoát nghèo.
Không chỉ gia đình ông A Preh, thời gian qua, trên địa bàn xã Đăk Ruồng đã có 20 hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ bò sinh sản từ Dự án 2 để có thêm sinh kế phát triển sản xuất, với tổng đàn 20 con, kinh phí 390 triệu đồng.
Ông Đặng Vĩnh Phú - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Ruồng cho biết: “Để triển khai Dự án 2 hiệu quả, chúng tôi rà soát và lựa chọn những hộ khó khăn thực sự cần đến nguồn hỗ trợ đề xuất với huyện để hỗ trợ. Ngoài ra, hằng năm, UBND xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức 2 - 3 lớp tập huấn để các hộ có thêm kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh cho vật nuôi, cây trồng từ đó, người dân đã biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi bò. Nhờ vậy, mô hình được hỗ trợ đang phát triển tốt, từng bước tạo điều kiện để người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
|
Ngoài ra, để các mô hình sinh kế phát huy hiệu quả, trong quá trình thực hiện, huyện Kon Rẫy thành lập tổ kiểm tra phối hợp với các xã, thị trấn theo dõi, kiểm tra, động viên người dân triển khai mô hình và trợ giúp khi có khó khăn. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn huyện quan tâm, hướng dẫn các hộ dân cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Đến nay, qua khảo sát, đa số hộ tham gia dự án đều phát huy hiệu quả, các mô hình được hỗ trợ phát triển tốt, có nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.
Có thể thấy, Dự án 2 đã và đang tiếp sức cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo trên địa bàn huyện Kon Rẫy có thêm sinh kế, tạo tiền đề để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong 2 năm 2022 - 2023, toàn huyện có 460 hộ thoát nghèo, 155 hộ thoát cận nghèo; huyện phấn đấu đến cuối năm 2024 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 8%.
“Thời gian tới, Phòng tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện và UBND các xã, thị trấn theo sát việc thực hiện dự án của các hộ dân; tổ chức kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện, đảm bảo các đối tượng được thụ hưởng dự án phát triển kinh tế, giảm nghèo hiệu quả. Đồng thời, từ nay đến hết năm 2024, tiếp tục rà soát, lựa chọn và hỗ trợ người dân các mô hình phát triển sản xuất phù hợp, đạt hiệu quả cao hơn”- ông Lê Văn Dẫu cho biết thêm.
NAY SĂT