Hỗ trợ ĐBDTTS nghèo phát triển cao su tiểu điền
Đề án phát triển cao su tiểu điền và chỉ đạo các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nhận thức rõ thực trạng giá mủ cao su thấp hiện nay để họ yên tâm, không tự ý chặt phá vườn cây cao su để chuyển đổi sang các loại cây trồng khác; đồng thời tiếp tục hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cây giống để khuyến khích người dân trồng dặm, chăm sóc và giữ vườn cao su...
Ngoài các chính sách dân tộc do Trung ương ban hành, để từng bước nâng cao đời sống cho bà con, tỉnh đã ban hành các chính sách đặc thù dành riêng cho vùng ĐBDTTS. Qua quá trình triển khai thực hiện, các chính sách đặc thù của tỉnh dành riêng cho vùng ĐBDTTS, đặc biệt là chính sách hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012-2016 (theo Quyết định số 07/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh) đã phát huy được hiệu quả.
|
Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2016 hỗ trợ cho 6.314 hộ nghèo, hộ cận nghèo ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh trồng mới 5.841,5ha cao su tiểu điền nhằm giúp các hộ thoát nghèo bền vững với tổng kinh phí thực hiện 253.818,9 triệu đồng (trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 61.655,2 triệu đồng, ngân sách huyện và nguồn vốn lồng ghép các chương trình - dự án khác đầu tư trên địa bàn 50.821,4 triệu đồng, dân đóng góp 141.342,3 triệu đồng).
UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) thực hiện Đề án phát triển cây cao su tiểu điền cấp tỉnh, đồng thời chỉ đạo và hướng dẫn cho các huyện, xã thành lập BCĐ thực hiện Đề án cùng cấp. Các huyện tổ chức tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Đề án để người dân hiểu và tham gia. Đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo và hộ cận nghèo DTTS được ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% cây giống, tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc; ngân sách huyện hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Qua 3 năm thực hiện Đề án, đã tổ chức được 207 lớp tập huấn kỹ thuật trồng mới và chăm sóc cây cao su cho 4.537 lượt người tham gia Đề án, kể cả các hộ đã tham gia trồng cao su năm 2009-2010 theo Quyết định 14/2009/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Tỉnh đã hỗ trợ 1.167.516 cây giống cho 2.334 hộ trồng mới được 2.171,6ha cao su. Trong đó: huyện Ngọc Hồi có 409 hộ trồng 365,2ha, huyện Đăk Tô có 537 hộ trồng 489,2ha, huyện Đăk Hà có 157 hộ trồng 123,2ha, huyện Sa Thầy có 471 hộ trồng 400,7ha, huyện Kon Rẫy có 171 hộ trồng 145,4ha, huyện Đăk Glei có 450 hộ trồng 359,5ha, thành phố Kon Tum có 139 hộ trồng 118,8ha. Như vậy, so với kế hoạch được duyệt giai đoạn 2012-2014 thì số diện tích thực hiện đạt 92,22%; so với Đề án đến năm 2016 thì diện tích thực hiện đạt 34,28%.
Ông Trần Văn Chương - Phó giám đốc Sở NN&PTNTcho biết: Cây cao su trồng năm 2012 sinh trưởng tốt, có chiều cao trung bình từ 2,5-3m, tỷ lệ cây sống đạt 90%. Cây cao su trồng mới năm 2013 cũng phát triển tốt; vườn cây được các hộ dân phát ranh trồng xen các loại cây trồng khác như mỳ, bắp. Đối với số cây chết, các hộ đã chủ động mua cây giống có tầng lá trồng dặm (riêng huyện Đăk Tô đã hỗ trợ cây có tầng lá cho dân trồng dặm) và hầu hết các vườn cây đã được bón phân theo quy định. Cao su trồng mới trong năm 2014 được triển khai đúng kế hoạch, tỷ lệ nảy mầm cao.
Ngày 10/9/2014, đồng chí Nguyễn Hữu Hải- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Đề án đã chủ trì Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án phát triển cao su tiểu điền và chỉ đạo các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nhận thức rõ thực trạng giá mủ cao su thấp hiện nay để họ yên tâm, không tự ý chặt phá vườn cây cao su để chuyển đổi sang các loại cây trồng khác; đồng thời tiếp tục hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cây giống để khuyến khích người dân trồng dặm, chăm sóc và giữ vườn cao su. Các huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư tỉnh kiểm tra, hướng dẫn và khuyến cáo người dân thực hiện trồng xen cây trồng khác trong vườn cao su phải tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo sự sinh trưởng và phát triển tốt cho vườn cây, đồng thời tăng thu nhập cho người dân trong thời kỳ kiến thiết cơ bản của vườn cây cao su.
Đồng chí Nguyễn Hữu Hải cũng thống nhất chủ trương tiếp tục hỗ trợ cho dân trồng mới cao su trong 2 năm 2015-2016 theo tinh thần rà soát, lựa chọn kỹ các hộ có đất, có sức lao động, có tinh thần vươn lên thoát nghèo và tự nguyện đăng ký tham gia Đề án; đặc biệt là phải cam kết không được sang nhượng vườn cây, không chuyển đổi sang cây trồng khác; đồng thời, tập trung hỗ trợ đầy đủ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ dân đã tham gia trồng cao su từ năm 2012 đến nay.
Quang Định