Hiệu quả từ những mô hình sản xuất
Hiệu quả từ các mô hình sản xuất mới đã từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị thu nhập cho người dân của huyện Kon Rẫy...
Những năm qua, huyện Kon Rẫy đã tập trung chỉ đạo và ưu tiên cho việc đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất mới nhằm từng bước nâng cao trình độ sản xuất nông - lâm nghiệp cho nông dân; trong đó, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo vùng sản xuất tập trung các cây trồng thế mạnh của địa phương, nhằm tạo nông - lâm sản hàng hóa, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị thu nhập cho nông dân.
Trong quá trình thực hiện các mô hình sản xuất nông- lâm nghiệp, huyện đã hỗ trợ cây giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nông dân nắm rõ và áp dụng đúng quy trình thâm canh tăng năng suất và chất lượng sản phẩm nông-lâm nghiệp, nên kết quả đạt được khá cao.
|
Chỉ tính từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện được gần 100 mô hình sản xuất mới về lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Điển hình như mô hình thâm canh cây lúa lai TH3-3 tại xã Đăk Tờ Re đã đem lại cho người nông dân năng suất bình quân đạt 70 tạ/ha; mô hình thâm canh phát triển cây bắp lai chịu hạn LVN61 tại thôn 6, xã Tân Lập có năng suất bình quân đạt 69,6 tạ/ha đối với bắp trồng thuần và 5,6 tạ/ha đối với bắp lai chịu hạn, năng suất đậu đen đạt 6,4 tạ/ha…
Đặc biệt, hiện nay, trên địa bàn huyện, một số mô hình nông-lâm nghiệp được đánh giá khá hiệu quả. Điển hình là mô hình cải tạo cây hồ tiêu và cà phê của gia đình anh Nguyễn Khắc Phương trú tại thôn 8 Trà Bồng, thị trấn Đăk Rve, mỗi năm thu về trên 500 triệu đồng; mô hình trồng cây công nghiệp và chăn nuôi heo nái kết hợp với trồng các loại cây ngắn ngày của gia đình chị Nguyễn Thị Huyền trú tại thôn 2, xã Tân Lập đạt hiệu quả rất cao.
Chị Huyền cho biết: Gia đình tôi đã bố trí, sử dụng hợp lý quỹ đất hiện có để trồng 600 trụ tiêu gần bờ sông nhằm đáp ứng nguồn nước đảm bảo tưới cho cây, 5.000 cây bời lời trồng ở diện tích đất cao và dốc hơn, đồng thời nuôi 6 con heo nái để gây giống nuôi heo thịt với quy mô 10 gian chuồng, mỗi chuồng từ 8-12 con heo. Tháng nào tôi cũng có heo thịt xuất chuồng, vì gia đình tôi nuôi heo gối vụ.
“Ước tính bình quân mỗi năm xuất chuồng từ 10 - 12 lứa heo, bình quân mỗi lứa trên 1 tấn thịt, với giá hiện nay từ 41- 43 ngàn đồng/kg, mỗi năm gia đình tôi thu về trên 400 triệu đồng, trừ chi phí hàng năm gia đình tôi lãi ròng trên 200 triệu đồng. Mặc dù việc sản xuất nông-lâm nghiệp và chăn nuôi phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhưng mỗi năm gia đình tôi thu về từ 500- 600 triệu đồng”- chị Huyền tâm sự.
Ngoài ra, các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm bước đầu nhận được sự quan tâm, đầu tư của người dân và đã tác động tích cực đến phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn như: Mô hình chăn nuôi heo thịt tại thị trấn Đăk Rve với năng suất bình quân đạt 0,7kg/con/ngày, cao hơn so với yêu cầu 0,5kg/con/ngày; mô hình hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò sinh sản tại xã Đăk Ruồng đang được đầu tư và phát triển tốt.
|
Bên cạnh đó, huyện Kon Rẫy còn kết hợp với nhiều dự án và nguồn vốn khác nhau để triển khai nhiều mô hình mới và thiết thực, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Cụ thể như: Mô hình trồng hoa lay-ơn kết hợp với rau đậu các loại của anh A Tải trú tại thôn 9, xã Đăk Tờ Re; mô hình trồng rau sạch của anh Nguyễn Văn Chi trú tại thôn 2, xã Tân Lập; mô hình nuôi cá lồng trên sông tại thôn 2, xã Đăk Pne…
Hiệu quả từ các mô hình sản xuất mới đã từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao trình độ sản xuất cho bà con nông dân, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông-lâm nghiệp của huyện trong những năm gần đây. Nhờ đó, đã góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của toàn huyện đạt 16,54% vào cuối năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 23,2 triệu đồng/năm.
Hà Nguyên