Hiệu quả bước đầu từ đề án cây cà phê xứ lạnh
Mặc dù thời gian thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh chưa nhiều (mới hơn 3 năm), nhưng hiệu quả bước đầu ở diện tích cây cà phê thu bói niên vụ vừa qua đã rõ. Việc phát triển cà phê xứ lạnh đang tạo ra niềm tin cho người nghèo trong cuộc chiến giảm nghèo và nâng cao đời sống.
Ông Trần Văn Chương - Phó giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh thực hiện tại các xã vùng Đông Trường Sơn ở huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông từ giữa tháng 8/2013 đến nay. Tuy nhiên, việc hỗ trợ cho các hộ dân tham gia Đề án chính thức trồng mới vào mùa mưa năm 2014. Ở diện tích cây cà phê trồng năm đầu tiên này, trong năm 2016, cây cà phê cho bói, năng suất cà phê đạt từ 8-10 tấn/ha. Vườn cà phê được trồng ở các năm sau phần lớn sinh trưởng tốt.
Để việc phát triển cà phê hiệu quả, bên cạnh nỗ lực của lực lượng khuyến nông và sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, Ban chỉ đạo Đề án hỗ trợ phát triển cà phê xứ lạnh tỉnh phối hợp với Đài PT-TH tỉnh, Báo Kon Tum đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ thêm về chủ trương, chính sách và kỹ thuật phát triển cà phê xứ lạnh.
Theo đánh giá, qua hơn 3 năm thực hiện Đề án, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Ban chỉ đạo Đề án huyện, xã mở 155 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng mới, chăm sóc cà phê cho trên 4.000 lượt hộ dân. Bằng những nỗ lực trong việc thực hiện Đề án, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 2.503 hộ trồng 659,05ha cà phê xứ lạnh.
|
Qua giám sát tình hình thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh mới đây, nhiều đại biểu HĐND các cấp cũng đánh giá cao cây cà phê xứ lạnh. Đồng chí Nguyễn Văn Lân - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết, diện tích cà phê trồng năm 2014 trên địa bàn huyện hiện đã cho bói, năng suất đạt từ 8-10 tấn tươi/ha. Kết quả bước đầu tạo được niềm tin và sự phấn khởi của người dân phát triển cà phê xứ lạnh. Trong những năm đến, khi cây cà phê đi vào kinh doanh sẽ góp phần quan trọng cho người dân địa phương trong công tác giảm nghèo.
Theo đánh giá, trong vụ thu bói vừa qua, nhiều hộ thu được từ 10-20 tấn cà phê tươi. Với giá bán cà phê quả tươi dao động từ 5.000 - 9.000 đồng/kg, nhiều hộ có thu nhập hàng chục triệu đồng từ cà phê xứ lạnh.
Trao đổi về phát triển cà phê xứ lạnh, A Chân ở thôn Tu Cần, xã Hiếu (huyện Kon Plông) vui như mở cờ trong bụng: Gia đình tôi có 2 sào cà phê xứ lạnh trồng năm 2014, vụ thu hoạch vừa qua, gia đình thu 2 tấn cà phê tươi. Gia đình mong chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho gia đình và người dân mở rộng thêm diện tích cà phê.
Điều đáng nói thêm là việc thực hiện Đề án có sức lan tỏa, nhiều hộ không thuộc diện hỗ trợ tự mua phân bón, uơm hoặc mua cây cà phê giống về trồng mới. Tuy chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng các xã đều cho rằng, diện tích cà phê trồng mới do bà con trồng thêm hàng năm tăng hơn so với con số thực hiện Đề án.
Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án vẫn còn gặp một số tồn tại như: Các huyện ngân sách khó khăn nên việc hỗ trợ phân bón cho người dân trồng cà phê không theo đúng định mức; việc phê duyệt danh sách các hộ tham gia Đề án còn chậm nên việc trồng cà phê thường không đúng tiến độ. Bên cạnh đó, một số hộ tham gia Đề án thiếu nhân lực lao động, thiếu phân bón hữu cơ nên việc trồng, chăm sóc cà phê không đúng yêu cầu kỹ thuật nên cây phát triển kém; một số nơi công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc các hộ trồng và chăm sóc chưa quyết liệt... làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện Đề án và chất lượng vườn cây. Những tồn tại này cần được tháo gỡ để việc thực hiện Đề án được tốt hơn nữa trong thời gian đến.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh, năm 2017, các xã vùng Đông Trường Sơn nằm trong diện thực hiện Đề án có kế hoạch trồng mới 394,26ha cà phê xứ lạnh. Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với các huyện tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật và hướng dẫn người dân đào hố để chuẩn bị trồng cà phê theo kế hoạch. Để cây cà phê sinh trưởng tốt, Sở NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện hỗ trợ phân bón đúng định mức cho các hộ tham gia thực hiện Đề án trồng và chăm sóc cà phê.
Đào Nguyên