Góp sức trẻ xây dựng nông thôn mới
Ngày ngày, bằng các việc làm cụ thể, ý nghĩa, đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh đã góp sức trẻ tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ cảnh quan môi trường, phát triển kinh tế, dựng xây gia đình ấm no, quê hương thêm giàu đẹp.
Những phần việc thiết thực
Đầu tháng 1/2018, đoàn viên thanh niên xã Đăk Ngọc, huyện Đăk Hà bàn bạc, lên kế hoạch thắp sáng 500m đường đi qua xóm 4, thôn Đăk Tin. Đồng lòng thực hiện, ngoài việc huy động các nguồn lực, kêu gọi bà con đối ứng trụ, 15 chi đoàn còn ủng hộ bóng, góp công sức, cùng kéo dây, bắt trụ.
Hợp sức trẻ, chỉ trong thời gian ngắn, những trụ điện được dựng lên, bóng điện chiếu sáng cả một tuyến đường. Nhờ đó, gần 3 tháng nay, người dân đi lại thuận tiện, tình trạng tai nạn giao thông giảm đáng kể. Đặc biệt, từ khi có điện đường, tệ nạn trộm cắp được đẩy lùi, tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, đem lại bình yên cho xóm làng.
Ngoài ra, đoàn viên trên địa bàn xã còn xung kích xây dựng các đoạn đường thanh niên tự quản. Vào những ngày thứ Bảy, Chủ nhật, thanh niên tập trung phát quang bụi rậm, dọn dẹp hành lang an toàn giao thông, tạo đường thông, hè thoáng, sạch đẹp.
“Hiện nay Đăk Ngọc đang phấn đấu xây dựng nông thôn mới, chúng tôi luôn cố gắng làm hiệu quả những công trình, những phần việc để giúp xã đạt và giữ vững các tiêu chí về môi trường, an ninh trật tự…” – anh Hà Văn Thiện - Bí thư Đoàn xã Đăk Ngọc chia sẻ.
Nhiều năm nay, 10 đoàn viên thanh niên trong đội ứng cứu tai nạn giao thông tại xã Đăk Man, huyện Đăk Glei luôn nêu cao tinh thần, hoạt động tích cực, kịp thời ứng cứu nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Ngoài việc ứng cứu nhanh chóng, cả đội còn tham gia dọn dẹp, góp sức tu sửa tuyến đường bị hư hỏng sau quá trình tai nạn, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Không chỉ thế, các đoàn viên trong đội ứng cứu còn tích cực xây dựng các tuyến đường bê tông hóa trên địa bàn, vận động đoàn viên thanh niên đội mũ bảo hiểm, chấp hành đúng luật khi tham gia giao thông để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người.
Cũng như thanh niên Đăk Man, hưởng ứng hoạt động ra quân xây dựng nông thôn mới, hơn 2.600 đoàn viên thanh niên tại các xã trên địa bàn huyện Đăk Glei đã đồng loạt thực hiện các phần việc thiết thực: chung tay xây dựng 350m đường giao thông nông thôn, đào 110 hố rác, thu gom, xử lý rác thải; phát quang, dọn vệ sinh trên 17km đường; nạo vét 2,7km kênh mương thủy lợi, phục vụ tưới tiêu cho 56ha lúa nước…
Anh Trần Cường Thịnh – Phó Bí thư Đoàn huyện Đăk Glei nhấn mạnh: Thanh niên là lực lượng nòng cốt nên không chỉ thực hiện các phần việc trong tháng 3, mùa hè xanh, chúng tôi luôn chú trọng, đưa ra các phần việc thiết thực, chung tay cùng mọi người xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng nền tảng kinh tế
Chung tay cùng cộng đồng làm các phần việc thiết thực để xây dựng nông thôn mới, bản thân mỗi đoàn viên thanh niên còn xây dựng các ý tưởng sáng tạo, xây dựng kinh tế cho bản thân, gia đình, góp phần thực hiện tiêu chí về thu nhập.
|
Với mong muốn giới thiệu, đưa đặc sản Kon Tum đến với các vùng miền, chàng trai Bền Chí Thịnh (31 tuổi) ở thôn 3, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy đã xây dựng ý tưởng thành lập “hộ kinh doanh Kora”. Nhận thấy Kon Tum là vùng đất dược liệu, anh đã trồng, thu mua các sản phẩm: sâm dây, đương quy, nấm… đóng gói, phân phối ra thị trường. Việc kinh doanh đem lại cho anh doanh thu đến 1 tỷ đồng/năm.
Không chỉ dừng lại tại đó, anh Thịnh còn trồng sâm Ngọc Linh và lên ý tưởng liên kết với cộng đồng người dân tại huyện Tu Mơ Rông xây dựng vùng dược liệu sâm dây với diện tích lên đến 100ha. “Hiện tại, tôi đang làm Đề án Chuỗi cung cấp sâm Ngọc Linh và dược liệu Kora. Tôi phấn đấu đạt doanh thu 3 tỷ/năm” – anh Thịnh chia sẻ.
Dám nghĩ, dám làm, anh Thịnh không chỉ đem lại thu nhập cao cho bản thân, gia đình mà còn giúp đỡ các gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; động viên họ chăm trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế trong gia đình.
Hay như anh Nguyễn Văn Tuân, thôn 3, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, với sức trẻ, anh quyết tâm làm giàu với mô hình VAC.
Trồng tiêu thất bại nhưng không nản, hoài bão lớn, anh tiếp tục vực dậy, vay vốn, làm 7ha với 900 trụ thanh long ruột đỏ, 100 cây sầu riêng hạt lép, 200 gốc chanh, 200 cây mắc ca…; nuôi cá, nuôi 4 con bò. Không dừng lại tại đó, sắp đến anh dự định trồng thêm 300 cây mít dai, 300 cây bơ và làm vườn ươm cây mắc ca.
Anh Tuân chia sẻ: Mình còn trẻ phải cố gắng sáng tạo, học mô hình mới để áp dụng vào sản xuất. Kinh tế vững cũng là một trong những nền tảng để xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no.
Anh Thịnh và anh Tuân chỉ là 2 trong số nhiều đoàn viên nỗ lực khởi nghiệp, vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no. Chính các anh là những gương sáng, giúp nhiều đoàn viên khác có thêm động lực để phát triển kinh tế, góp phần vào việc thực hiện các tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.
Anh Nguyễn Văn Chiến – Phó Bí thư Huyện đoàn Kon Rẫy cho biết, trên địa bàn huyện có khoảng 2.200 đoàn viên thanh niên, trong đó, có khoảng 20 đoàn viên đã tự khởi nghiệp, xây dựng các mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống và giảm nghèo bền vững.
“Song song với việc làm các công trình, phần việc thanh niên, chúng tôi luôn nắm bắt nguyện vọng, gắn kết, nhân rộng các mô hình hay, giúp đoàn viên phát triển kinh tế. Kinh tế vững vừa giúp thực hiện tốt tiêu chí về thu nhập đồng thời còn giúp đoàn viên có thêm nguồn để góp sức xây dựng nông thôn mới” – anh Chiến nói.
Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên, những màu áo xanh luôn hăng hái, nhiệt huyết, nỗ lực, chung tay làm các phần việc thiết thực, để lại dấu ấn sâu đậm trong xây dựng nông thôn mới.
Bình An