Giúp dân nâng cao thu nhập từ cây bắp sú
Thực tế kiểm nghiệm, bắp sú ở Măng Đen có ưu điểm nổi trội: giòn, ngọt hơn bắp sú nơi khác nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Trồng bắp sú ở đây, nhiều hộ có thu nhập cao.
Buổi sáng ở Măng Đen sương thường chậm tan, trời thường se lạnh. Vào thôn Tu Rằng, xã Măng Cành (huyện Kon Plông), tôi được thỏa thích ngắm nhìn những vườn bắp sú xanh bóng mượt, bắp căng tròn.
Cầm bắp sú to như muốn khụy những ngón tay, ông Đinh Công Thể không giấu niềm vui: thời tiết và đất đai ở Măng Đen phù hợp với cây bắp sú. Năm nay, gia đình tôi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật trồng 1 sào bắp sú. Bắp sú sinh trưởng tốt, bình quân mỗi bắp khoảng 2kg. Với giá bán bình quân 10 nghìn đồng/kg, tính ra gia đình tôi thu được hơn 60 triệu đồng/sào. So với các loại rau khác, trồng bắp sú có thu hoạch cao hơn.
|
Phấn khởi trước niềm vui bắp sú được mùa, được giá, vợ chồng ông Thể còn ôn lại những kỷ niệm ngày mới lên đây sản xuất. “Ở khu đất sản xuất này, nguyên trước đây là đất trồng thông. Đất tốt, tơi xốp, nhưng đất chua. Trong những vụ đầu, gia đình sản xuất rau không mấy thành công do chưa cải tạo được độ chua của đất. Vì vậy, gia đình phải bón vôi cải tạo mấy vụ liền đất mới hết chua và sản xuất thuận lợi như ngày nay” - ông Thể cho biết.
Gắn bó và chuyên canh rau ở vùng đất này mấy năm nay, ông Nguyễn Hoàng Khương cũng khẳng định, đất ở đây rất chua. Gia đình ông Khương cũng phải bón nhiều vôi cải tạo đất và đầu tư thêm nhiều loại phân chuồng, việc sản xuất rau mới hiệu quả.
Ông Khương trồng 2 sào bắp sú và đầu tư hệ thống tưới phun sương tự động. Bắp sú xanh tốt và đều tăm tắp. Bắp to, bóng mượt không thua kém gì bắp sú gia đình ông Thể.
Vườn rộng, ngoài việc trồng bắp sú, ông Khương còn trồng nhiều loại rau củ quả như cà chua, khoai tây… Tuy nhiên, ông khẳng định, năm nay bắp sú được giá và trồng bắp sú hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều loại rau, củ quả khác.
Gia đình ông Khương sản xuất rau theo hướng an toàn, bắp sú ở đây giòn, ngọt hơn bắp sú ở các nơi khác nên khách hàng ưa chuộng, vì thế sản xuất ra không kịp đáp ứng nhu cầu của khách đặt hàng và thị trường.
“Gia đình trồng bắp sú và một số loại rau, củ quả khác khoảng 6 sào, thu về khoảng hơn 300 triệu đồng/năm. Trồng rau, củ quả thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa” - ông Khương thật lòng.
Theo bà Phạm Thị Hòa - Trưởng phòng Kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh, rau hoa là cây trồng chủ lực ở vùng kinh tế động lực Măng Đen. Thực hiện chủ trương của tỉnh, trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ giống, chuyển giao kỹ thuật cho nhiều hộ dân sản xuất thành công nhiều loại rau, hoa, củ quả.
Qua thực tế kiểm nghiệm, cây bắp sú ở Măng Đen được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao. Đánh giá lại việc triển khai thực hiện các mô hình, ông Trịnh Xuân Quý - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện khẳng định, các mô hình do Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện triển khai cho dân sản xuất rau hoa, củ quả trong thời gian qua ở Măng Đen thành công và giúp người dân có thu nhập khá cao.
Trước yêu cầu của người dân, ông Quý mong Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ cho dân thực hiện các mô hình rau hoa xứ lạnh ở Măng Cành và mở rộng thêm một số địa phương khác trong vùng quy hoạch rau hoa ở huyện Kon Plông.
Văn Nhiên