Giải pháp bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh
Sâm Ngọc Linh đã được công nhận là sản phẩm quốc gia. Giá trị và tác dụng của sâm Ngọc Linh giờ đây ai cũng biết. Chính vì thế, một số trường hợp lợi dụng điều này trà trộn và đưa những loại không phải là sâm Ngọc Linh thật buôn bán kiếm lời. Điều đó đặt ra cho chúng ta phải có cách bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh.
Sâm Ngọc Linh là loại dược liệu quý chỉ có ở vùng rừng núi Ngọc Linh thuộc Kon Tum và Quảng Nam. Ấy vậy mà mới đây, trong chuyến công tác cùng với lãnh đạo tỉnh, các sở ngành và các đơn vị trồng, bảo vệ sâm Ngọc Linh về vùng thủ phủ của sâm Ngọc Linh- Tu Mơ Rông, chúng tôi ai cũng bất ngờ bởi thông tin có trường hợp một người đưa hàng ngàn hạt giống sâm Ngọc Linh từ nơi khác về ngay vùng sâm Ngọc Linh để trồng.
|
Anh H (ở Tu Mơ Rông, người chuyên trồng, gây giống sâm Ngọc Linh cho Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum ) thông tin: Tôi được một người dân ở xã Ngọc Lây báo là một người phụ nữ mới mang hàng ngàn hạt giống nói là sâm Ngọc Linh từ nơi khác về trồng. Tôi đã đi hỏi, tìm hiểu thì hạt giống này không có nguồn gốc xuất xứ nhưng họ vẫn khẳng định là sâm Ngọc Linh. Là người trong nghề, có kinh nghiệm hàng chục năm trồng và bảo vệ vườn sâm nên tôi hiểu biết và nắm rất rõ.
Một lãnh đạo huyện Tu Mơ Rông cũng khẳng định có thông tin này và đã đích thân hỏi thăm thì người đó bảo mang hạt giống đi bảo quản giờ mới mang về trồng. Còn nguồn gốc cụ thể thế nào thì không biết và việc kiểm tra cũng gặp khó khăn…
Anh Trần Hoàn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum khẳng định, thời điểm này, sâm Ngọc Linh mới đang mọc lá làm gì có hạt. Việc một lúc có hàng ngàn hạt giống cũng không phải dễ bởi mỗi cây chỉ cho vài hạt. Như vậy, muốn có số lượng hạt giống lớn thì cần có số diện tích lớn.
Anh Hoàn đề nghị ngành chức năng của tỉnh cần phải có biện pháp ngăn chặn nguồn giống lạ đưa vào địa bàn. Nếu không ngăn chặn kịp thời thì sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu của sâm Ngọc Linh ở Kon Tum.
Ngoài nỗi lo về giống thì tình trạng sâm giả đã trà trộn vào "thánh địa" sâm Ngọc Linh ở huyện Tu Mơ Rông, gây khó khăn trong việc bảo vệ thương hiệu. Những đơn vị trồng sâm Ngọc Linh ở Kon Tum cũng mới chỉ đang làm công tác bảo tồn và phát triển diện tích sâm, chưa hề bán sâm ra thị trường.
Ở Kon Tum diện tích sâm Ngọc Linh chủ yếu là của Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô, diện tích còn lại là của người dân tự trồng nhưng cũng không nhiều.
Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh có hơn 328ha sâm Ngọc Linh nhưng diện tích chủ yếu ở 2 công ty trên, còn trong dân chỉ có khoảng 15ha.
Trong khi đó, muốn thu hoạch sâm Ngọc Linh đạt chất lượng thì phải trồng khoảng gần 10 năm. Ấy vậy mà trên các trang mạng xã hội và ở các facebook cá nhân, thấy rao bán sâm Ngọc Linh dày đặc, sẵn sàng bán một đến vài ký, với "hàng trồng", "hàng rừng" và tùy theo củ to nhỏ mà hét giá khác nhau. Thậm chí, người rao bán cam đoan có cả củ và lá tươi nguyên thật 100% là hàng “chính hãng” ở “thánh địa” sâm huyện Tu Mơ Rông.
Ông A Sỹ - Bí thư Đảng ủy xã Măng Ri (là người đang được giao quản lý nhóm liên kết trồng sâm Ngọc Linh với Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum) khẳng định: Thời điểm gần tết, nếu sâm còn nguyên cả lá thì 100% là đồ dởm. Bởi sâm Ngọc Linh đến thời điểm đó đã rụng hết lá (hay gọi là ngủ đông), đến sau tết Nguyên đán mới nứt lá lại.
Ông A Sỹ kể, một bận nghe có người trồng sâm ở xã Ngọc Lây, ông đã vào tận nơi để xem, phát hiện có một số cây, củ rất giống sâm Ngọc Linh được trồng lẫn với sâm Ngọc Linh thật.
"Từ nhỏ đến giờ, tôi đi tìm sâm rừng, trực tiếp trồng sâm Ngọc Linh nhiều năm nay nên chỉ cần nhìn là biết ngay đâu là giả, đâu là thật"- A Sỹ tiết lộ.
Ông A Sỹ khẳng định, đối với những người đang tham gia liên kết trồng sâm Ngọc Linh, nếu phát hiện tham gia buôn bán sâm Ngọc Linh giả sẽ bị đuổi, không cho tham gia vào nhóm nữa. Đó là cách bảo vệ thương hiệu cho sâm Ngọc Linh.
Ông Vương Văn Mười - Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, tình trạng sâm Ngọc Linh giả trà trộn vào địa bàn để bán kiếm lời đã xảy ra các năm qua, nhưng chưa có các biện pháp hữu hiệu ngăn chặn, vì thiếu các chế tài, quy định cụ thể.
Theo ông Mười, chỉ có xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, trà trộn sâm giả với sâm Ngọc Linh thật thì tình trạng sâm giả sẽ hạn chế bán tràn lan như hiện nay.
Cũng trong chuyến công tác mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, UBND huyện Tu Mơ Rông tiến hành kiểm tra thực tế thông tin phản ánh việc doanh nghiệp đưa giống sâm Ngọc Linh không rõ nguồn gốc vào trồng trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông, đồng thời lấy mẫu giống đó đi kiểm nghiệm, khi có kết quả báo cáo và đề xuất xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật…
Để bảo vệ cho thương hiệu sâm Ngọc Linh, bên cạnh việc cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn tình trạng trà trộn sâm giả vào địa bàn, cần có các biện pháp xử phạt nghiêm đối với trường hợp cố tình lợi dụng thương hiệu sâm Ngọc Linh để buôn bán hàng giả kiếm lời. Cùng với đó, cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu để họ phát hiện và ngăn chặn kịp thời những trường hợp buôn bán, đưa sâm giả vào địa bàn…
Văn Phương