Giải cứu nông sản: Liệu có đến lượt chanh dây?
Thời gian qua, nhiều mặt hàng nông sản thi nhau rớt giá, sản phẩm làm ra bị ùn ứ không tiêu thụ được khiến người nông dân lao đao. Để chia sẻ khó khăn với người nông dân, những chiến dịch giải cứu nông sản liên tục được phát động: Giải cứu chuối, dưa hấu, heo... và giờ đây có lẽ là “giải cứu chanh dây”.
Tại các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Kon Tum, thời gian qua, giá chanh dây cũng liên tục tăng cao, trong khi nhiều loại hàng hoá nông sản lại bị mất giá nên không ít hộ nông dân đã đổ xô trồng chanh dây. Trung bình, giá chanh dây trên thị trường dao động ở mức từ 30.000 – 35.000 đồng/kg, có lúc lên tới 45.000 – 50.000 đồng/kg.
Chanh dây là loại cây dễ trồng, đầu tư ít hơn so với cao su, cà phê và thời gian cho thu quả sớm lại được giá, lãi lớn nên từ năm 2016 đến nay, trồng chanh dây dường như đã trở thành một phong trào. Nhà có đất thì chuyển đổi từ trồng mì, cao su sang trồng chanh dây; nhà không có đất cũng tìm đủ cách để thuê đất trồng chanh dây.
Chưa có con số thống kê nào về diện tích chanh dây trên địa bàn tỉnh bởi loại cây trồng này không nằm trong quy hoạch, người dân cứ thấy giá tăng lên thì đổ xô trồng nên diện tích luôn biến động không ngừng.
Theo khảo sát của phóng viên, diện tích chanh dây tập trung nhiều ở một số địa phương như thành phố Kon Tum, huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Kon Rẫy...
Và, cũng giống như nhiều loại nông sản khác, sau một thời gian được giá, đến khi sản phẩm làm ra dồi dào thì giá cả cũng bắt đầu lao dốc không phanh. Tại thị trường Kon Tum, hiện tại giá chanh dây bán buôn chỉ khoảng 2.000 – 3.000 đồng/kg, giá bán lẻ khoảng 5.000 – 6.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, thương lái hạn chế thu mua khiến cho chanh dây bị ứ đọng, không tiêu thụ được, người trồng chanh dây lại rơi vào tình cảnh điêu đứng, thua lỗ nặng.
Trên thực tế, chanh dây không có đầu ra ổn định bởi hiện tại trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước chưa có bất cứ công ty trong nước nào đứng ra thu mua, bao tiêu sản phẩm mà hoàn toàn do thương lái thu mua để bán sang thị trường Trung Quốc. Thương lái đến từng nhà, tận vườn thu mua chanh dây, giá cả do họ chi phối, người nông dân hoàn toàn thụ động trong việc tìm kiếm đầu ra, giá cả sản phẩm.
|
Nếu như tiêu hay cà phê giảm giá thì còn có thể để dành đợi khi giá lên sẽ bán, nhưng chanh dây chín thì phải thu hoạch, đắt rẻ gì cũng phải bán, không bán được thì để hư thối ngoài vườn nên thương lái mặc sức o ép nông dân.
Trữ không được, bán không xong, người nông dân lại lâm vào cảnh lao đao, khốn đốn vì chanh dây và nhiều người lại đặt ra câu hỏi rằng rồi đây liệu có đến lượt chanh dây lại phải giải cứu.
Điệp khúc, mỗi lần nông sản được mùa mất giá, các đơn vị, tổ chức xã hội và nhiều cá nhân lại chung tay giúp nông dân tiêu thụ nông sản ế. Với tinh thần tương thân tương ái, người dân vẫn sẵn lòng mua ủng hộ, giúp đỡ để người nông dân vơi bớt thiệt hại. Thế nhưng, thịt heo hay dưa hấu... cũng không thể ăn mãi được, nói gì đến chanh dây chỉ là một loại thức uống giải khát mà cũng chỉ có một số người ưa dùng.
Quay trở lại câu chuyện trồng chanh dây, vì chỉ thấy lợi trước mắt, nông dân đua nhau trồng quá nhiều chanh dây, khiến cung vượt cầu. Song cũng khó trách được nông dân, bởi họ cũng chỉ mong muốn giản đơn là kiếm sống, làm giàu trên chính mảnh rẫy, thửa ruộng của mình, thấy lợi mà không làm thì tiếc, nhưng vì họ hoàn toàn thụ động, không thể điều tiết, phân tích được thị trường nên đành trông vào may rủi.
Việc chanh dây mất giá, ế ẩm cho thấy thêm một bài học đắt giá nữa về thị trường, nông dân cần suy xét kỹ khi quyết định trồng một loại cây mới, không chạy theo lợi trước mắt mà cần có những tính toán lâu dài. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành dù không thể buộc người dân trồng cây gì, nuôi con gì, nhưng để tránh được những rủi ro trong sản xuất nông nghiệp, cần cung cấp đầy đủ thông tin giúp định hướng cho nông dân để họ không chạy theo phong trào, tránh cho câu chuyện giải cứu liên tục tái diễn.
Bài và ảnh: Thuỳ Hương