Giá cả xuống thấp- Người chăn nuôi gặp khó
Chưa bao giờ người chăn nuôi lại gặp khó khăn như hiện nay bởi giá heo, gia cầm và trứng gia cầm liên tục giảm trong thời gian qua. Giá thấp, sức tiêu thụ yếu, thương lái ép khiến các hộ chăn nuôi đã khó càng thêm khó.
Khoảng 4 tháng nay, giá heo hơi trên thị trường luôn đứng ở ngưỡng rất thấp, mặc dù có một thời gian ngắn giá heo nhích lên được chút ít, nhưng không đáng kể và từ đầu tháng đến nay, giá cả lại quay đầu giảm mạnh. Hiện tại giá heo hơi xuất chuồng chỉ còn khoảng 30.000 đồng/kg, thấp hơn mức giá hồi đầu năm khoảng 3.000 đồng/kg và là giá thấp kỷ lục trong vòng mấy năm trở lại đây. Nhiều người chăn nuôi xót xa khi càng nuôi thì càng lỗ.
Bà Phạm Thị Phương Hoài (thôn Phương Quý 2, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum) không giấu nổi nỗi buồn bởi lứa heo này bà xuất chuồng gần 20 con và đã cầm chắc trong tay khoản lỗ gần chục triệu đồng.
Bà Phương cho biết: Giá heo dạo này rẻ lắm, giá xuất bán tại chuồng chỉ còn khoảng 30.000 – 31.000 đồng/kg mà phải gọi năm lần bảy lượt lái buôn mới chịu vào cân cho. Mà đấy là heo nhà tôi thuộc loại ngon, nhiều nạc, ít mỡ chứ còn nhà nào lỡ để heo quá lứa một chút, heo không ngon thương lái chê đủ đường không muốn mua hoặc có mua thì cũng tìm cách ép giá xuống nữa.
Theo tính toán của người chăn nuôi, với mức giá này người nuôi heo đang bị lỗ từ 700.000 – 1.000.000 đồng/con (tuỳ trọng lượng). Giá heo thấp khiến người nuôi bị lỗ cộng thêm với việc xuất chuồng cũng rất khó khăn.
“Heo đến lứa phải xuất chuồng, nếu không bán được hằng ngày vẫn phải cho ăn trong khi trọng lượng heo tăng không đáng kể dẫn đến mức lỗ của người nuôi càng tăng cao. Thế nhưng, việc tiêu thụ hiện nay rất khó khăn, thương lái còn mua với số lượng rất hạn chế, họ chỉ mua heo của những mối quen lâu năm, trang trại lớn có uy tín nên những hộ nuôi nhỏ số lượng ít như chúng tôi càng khó bán hơn” – bà Phạm Thị Hiền (thôn Phương Quý 1, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum) kể.
Giá heo bấp bênh khiến các hộ chăn nuôi lao đao và có phần chán nản. Nhiều người bắt đầu nghĩ đến chuyện giảm đàn, ngưng tái đàn.
Cũng như giá heo, giá gia cầm bán ra trên thị trường thời gian qua cũng liên tục sụt giảm. Hiện tại, gà ta thả vườn bán tại hộ dân chỉ ở mức từ 75.000 - 80.000 đồng/kg, giảm từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Vịt ta ở mức từ 70.000- 75.000 đồng/con (mỗi con từ 1,2-1,4 kg), giảm từ 5.000 - 10.000 đồng/con; ngan ở mức 60.000- 65.000 đồng/kg, giảm từ 8.000 - 10.000 đồng/kg...
Theo tìm hiểu của phóng viên, thông tin về dịch cúm gia cầm đang bùng phát ở nhiều tỉnh thành đã ảnh hưởng đáng kể đến giá gia cầm và sức mua trên thị trường tỉnh. Nhiều thương lái tỏ ra dè dặt và thận trọng khi mua gia cầm, đa số chỉ mua với số lượng ít.
|
Từ đầu năm đến nay, giá trứng gia cầm trên địa bàn tỉnh cũng giảm mạnh. Hiện tại, giá bán trứng tại các chuồng đang đứng ở mức rất thấp, trứng vịt loại quả to chỉ ở mức từ 1.700 - 2.000 đồng/quả; loại nhỏ từ 1.500 - 1.700 đồng/quả; trứng vịt lộn từ 2.500 - 2.700 đồng/quả; trứng gà ta từ 3.000 - 3.300 đồng/quả; gà công nghiệp từ 1.300 - 1.500 đồng/quả... Trong khi đó, theo tính toán của người chăn nuôi, giá thành trứng gà công nghiệp phải ở mức 1.500 - 1.600 đồng/quả, trứng vịt ở mức 1.800 – 2.000/quả thì mới đủ vốn.
Anh Trịnh Văn Cảnh (tổ 1, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum ) – người có thâm niên chăn nuôi gà thịt và gà đẻ hơn chục năm nay, chia sẻ: Chưa bao giờ tôi nuôi gà lại khó như lúc này. Những đợt gà được giá, hút hàng thì gần đến ngày bán, thương lái gọi điện hẹn trước ngày đến mua, nhưng giờ thì ai nấy đều tỏ ra hờ hững. Nếu có mua thì họ cũng tìm cách ép giá, thế nên người chăn nuôi càng lỗ nặng hơn.
Giá bán gia cầm, giá trứng tại các trang trại giảm mạnh, nhưng tại các chợ trên địa bàn thành phố Kon Tum giá thịt gà chỉ giảm nhẹ, một số nơi còn giữ nguyên.
Một điều đáng nói nữa là trong khi giá heo, gà bị sụt giảm mạnh thì giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y lại liên tục tăng hoặc giữ ở mức cao trong thời gian qua khiến cho các hộ chăn nuôi khó khăn càng thêm chồng chất.
Chăn nuôi là một trong những ngành nghề quan trọng mang lại nguồn thu đáng kể cho người nông dân, thế nhưng với giá cả và sức tiêu thụ thấp như hiện nay đã tác động mạnh tới kinh tế cũng như tâm lý của người chăn nuôi. Do đó, các ngành chức năng cần có thêm những sự định hướng, hỗ trợ để người nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn, giữ đàn, tiếp tục phát huy thế mạnh của chăn nuôi.
Ngọc Thắng