Dự trữ hàng tết: Doanh nghiệp chủ động, tiểu thương dè dặt
Tết là mùa mua sắm lớn nhất năm. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp, siêu thị, đại lý hầu như đã hoàn tất việc dự trữ hàng hoá, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng dịp tết. Riêng các tiểu thương tại các chợ truyền thống, các cửa hàng nhỏ lẻ có phần thận trọng trong việc trữ hàng.
Theo khảo sát của phóng viên, đến thời điểm này, ngoài 4 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá của tỉnh thì các doanh nghiệp, nhà cung ứng lớn trên địa bàn tỉnh cũng đều chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, phong phú để phục vụ nhu cầu mua sắm tết của người dân. Các mặt hàng được chuẩn bị nhiều nhất là gạo tẻ, gạo nếp, đường, dầu ăn, bánh kẹo, hạt dưa, nước giải khát, bột ngọt, trứng gia cầm...
Trong khi doanh nghiệp, siêu thị, đại lý hào hứng với việc chuẩn bị hàng cung ứng dịp tết thì các tiểu thương kinh doanh tại các chợ truyền thống lại có phần dè dặt hơn.
|
Theo lý giải của một số tiểu thương tại chợ Trung tâm thương mại (thành phố Kon Tum), vài năm gần đây, các tiểu thương ở chợ không còn thói quen trữ nhiều hàng bán tết như những năm trước. Bởi hiện nay, đa phần người dân thích mua sắm ở các siêu thị, đại lý hơn ở chợ. Mặt khác, hàng hoá ở chợ ít có chương trình khuyến mãi hay giảm giá như hàng bán trong siêu thị, doanh nghiệp lớn. Vì vậy, tiểu thương ở chợ cũng “lép vế” hơn trong việc cạnh tranh, thu hút khách hàng.
Bà Nguyễn Thị Đông (tiểu thương ở chợ Trung tâm thương mại) chia sẻ: Trước đây, dịp tết tôi lấy cả trăm ký mứt, kẹo; nhưng vài năm nay thấy sức mua giảm nên tôi chỉ lấy nhỉnh hơn một chút so với ngày thường. Vả lại, bây giờ việc lấy hàng hoá cũng dễ dàng nên cứ bán hết đến đâu thì lấy đến đó chứ không dám “ôm” hàng, tránh tồn đọng nhiều.
Những năm gần đây, việc ăn tết của người dân cũng đã có những thay đổi đáng kể. Họ không còn thói quen mua hàng sớm và nhiều để dự trữ như trước đây mà trải đều trong dịp tết, cần đến đâu mua đến đó. Nhiều gia đình còn thường tranh thủ dịp nghỉ tết để đi chơi, đi du lịch nên việc mua sắm tết cũng giảm bớt.
Hiện tại, sức mua trên thị trường vẫn còn khá yên ắng. Các tiểu thương trưng bày hàng hoá lên kệ lúc này chỉ mang tính chất chào hàng và phục vụ những khách hàng có nhu cầu mua sỉ. Phần nhiều cửa hàng, đại lý đều chọn hàng hóa có chất lượng cao, đặc biệt là hàng Việt để kinh doanh dịp tết. Bởi người tiêu dùng ngày càng có tâm lý thích tiêu dùng hàng Việt chất lượng cao.
Nắm bắt cơ hội này, các nhà sản xuất trong nước cũng không ngừng đầu tư đổi mới, cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm nên càng được lòng người tiêu dùng trong nước. Các siêu thị, cửa hàng cũng chú trọng chọn nhóm hàng này để bày bán, niêm yết giá để khách hàng dễ tham khảo giá và lựa chọn khi mua sắm.
Khảo sát tại thị trường thành phố Kon Tum, phóng viên ghi nhận, hiện tại, giá cả các các loại hàng hoá phục vụ tết trên thị trường đều tương đối ổn định. Chẳng hạn như giá bia Heniken khoảng 370.000 – 375.000 đồng/thùng, Tiger khoảng 310.000 – 315.000 đồng/thùng, hạt dưa từ 90.000 – 110.000 đồng/kg tuỳ loại... Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn lo lắng, vào những ngày giáp tết giá các mặt hàng đồ uống sẽ tăng lên.
Để tránh xảy ra tình trạng khan hàng cục bộ, biến động giá, tăng giá đột biến trong thời gian cao điểm trước, trong và sau tết, Sở Công thương tập trung tuyên truyền, nhắc nhở các tiểu thương kinh doanh hàng hóa có chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Các cửa hàng, tiểu thương chú ý niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Ngành Công thương phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Với sự chủ động của các doanh nghiệp, siêu thị, nhà phân phối cùng với chương trình bán hàng bình ổn giá được triển khai đồng loạt tại tất cả các địa phương; chắc chắc thị trường Tết Nguyên đán năm nay sẽ ổn định. Qua đó, sẽ góp phần hạn chế tình trạng khan hiếm, thiếu hàng, tăng giá đột biến.
Ngọc Thắng