Dự án bảo vệ và quản lý tổng hợp các hệ sinh thái rừng tỉnh: Tạo điều kiện cho cộng đồng nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng
Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Dự án bảo vệ và quản lý tổng hợp các hệ sinh thái rừng, các cộng đồng được hưởng lợi trong vùng dự án không chỉ nâng cao vai trò bảo vệ rừng mà còn từng bước cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống.
Dự án bảo vệ và quản lý tổng hợp các hệ sinh thái rừng ở các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Gia Lai (gọi tắt là dự án KfW10) do Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ (thông qua Ngân hàng tái thiết Đức) 8 triệu euro cho 3 tỉnh, trong đó tỉnh Kon Tum được tài trợ 1,67 triệu Euro.
Kể từ khi đi vào thực hiện Dự án từ năm 2015 đến nay, Ban quản lý dự án tỉnh triển khai nhiều hoạt động góp phần duy trì sự toàn vẹn đa dạng sinh học của các hệ sinh thái 5.741,94 ha rừng tự nhiên tại 25 thôn, 9 xã ở huyện Kon Plông, Đăk Glei; đồng thời nâng cao điều kiện sống cho cộng đồng dân cư địa phương.
|
Theo Ban quản lý Dự án bảo vệ và quản lý tổng hợp các hệ sinh thái rừng tỉnh, tại huyện Đăk Glei dự án triển khai tại thôn Kon Rồng (xã Đăk Choong), Đăk Bo, Đăk Wất (Đăk Kroong), Măng Kênh, Đông Nây (Đăk Man), Đăk Xây, Long Ri, Xốp Dùi, Bông Trang, Tân Đum (Xốp), Peeng Ploong, Đăk Ôn, Đăk Tu, Đăk Xây, Măng Tách (Đăk Long), Peng Siel, Đăk Trấp (Đăk Pét). Ở huyện Kon Plông dự án triển khai tại thôn Vi Chring, Đăk Lôm, Đăk Liêu (Hiếu), Vi Klâng 1, Vi Pờ Ê 1, Vi Ktầu (Pờ Ê), Kon Tu Ma, Kon Tum (Măng Cành).
Bà Hồ Thị Quý Phi- Phó ban quản lý dự án tỉnh cho biết, qua việc thực hiện dự án, đến nay, tỉnh hoàn thành việc quy hoạch sử dụng đất cho 25 cộng đồng, thành lập 25 quỹ phát triển thôn và 1 nhóm tín dụng. Theo đó, Ban quản lý dự án tỉnh chuyển 8,17 tỷ đồng cho các quỹ phát triển thôn giúp 2.427 hộ dân trong vùng dự án hưởng lợi.
Để đồng tiền Dự án sinh sôi, qua sự tư vấn hoạt động của Ban quản lý dự án, nhóm tín dụng thôn Đăk Wất mở được 17 phiên giao dịch với 174 thành viên là nhóm hộ tham gia. Nhóm tín dụng cho các thành viên vay vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Các hộ vay vốn đầu tư đúng mục đích như: mua cây giống, con giống, phân bón sản xuất nông nghiệp. Việc thành lập nhóm tín dụng tiết kiệm bước đầu phát huy hiệu quả đồng tiền trong việc cải thiện sinh kế, góp phần nâng cao đời sống cho người dân địa phương.
Bên cạnh đó, Ban quản lý dự án tỉnh thành lập 25 quỹ quản lý rừng cộng đồng và chuyển tiền cho các ban quản lý rừng cộng đồng này 10,37 tỷ đồng. Từ đồng tiền được đầu tư này, Quỹ cộng đồng thành lập ban quản lý rừng, ban giám sát, tổ quản lý bảo vệ rừng, xây dựng quy ước bảo vệ rừng và tổ chức các cuộc tuần tra bảo vệ rừng. Ở diện tích rừng giao cho cộng đồng, cộng đồng ý thức được trách nhiệm, thay nhau tuần tra bảo vệ, không xâm hại đến rừng.
Ông A Tùng-Trưởng thôn, Phó ban Quản lý bảo vệ rừng thôn Đăk Wất khẳng định: Kể từ khi thực hiện Dự án và Nhà nước giao rừng cho cộng đồng, thôn Đăk Wất ý thức được trách nhiệm và quyền lợi của mình trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Cộng đồng thôn chia làm 4 tổ bảo vệ rừng. Hàng tuần, các tổ thay phiên nhau tuần tra bảo vệ rừng. Nếu phát hiện ai xâm phạm, dân sẽ báo kiểm lâm hoặc cộng đồng xử lý. Vì vậy, không có ai dám xâm hại rừng do cộng đồng quản lý.
Đánh giá việc thực hiện Dự án, già làng Đinh Văn Lôi làng Vi Chring thật lòng: Qua thực hiện Dự án, dân làng nhận biết rừng là nguồn mạch sự sống. Được nhà nước giao đất giao rừng và hưởng lợi từ rừng, người dân quý rừng và không để lâm tặc từ nơi khác đến khai thác gỗ trái phép.
Theo Ban quản lý dự án tỉnh, từ khi thành lập đến nay, các ban quản lý rừng cộng đồng thực hiện hơn 1.000 cuộc tuần tra bảo vệ rừng. Qua các cuộc tuần tra, nhiều cộng đồng phát hiện được nhiều vụ khai thác rừng, phá rừng làm nương rẫy và đặt bẫy thú trái phép. Rừng ngày càng được hồi sinh.
Đồng hành với việc các hoạt động trên, Dự án còn hỗ trợ cộng đồng phát đường ranh, đóng 595 cột mốc dọc theo 346 km đường ranh rừng giao cho cộng đồng. Trong quá trình thực hiện, Dự án còn tổ chức tập huấn cho các ban quản lý rừng cộng đồng lập kế hoạch hoạt động quỹ phát triển thôn, tham quan, học tập kinh nghiệm quản lý bảo vệ rừng ở các tỉnh bạn. Vì vậy, cộng đồng ngày càng ý thức được quyền lợi và trách nhiệm của mình trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Phát huy kết quả đạt được và tiếp tục triển khai thực hiện mục tiêu, năm 2018 Dự án tập trung vào việc hướng dẫn, giám sát, kiểm tra hoạt động của các quỹ phát triển thôn, công tác quản lý bảo vệ rừng; tập huấn về phương pháp nâng cao đời sống cho cộng đồng, xây dựng quy chế chia sẻ lợi ích và xây dựng kế hoạch quản lý rừng 5 năm tới…để tài nguyên rừng được giao cho cộng đồng ngày càng được quản lý hiệu quả hơn.
Văn Nhiên