Đồng hành cùng người dân bảo vệ rừng
Mặc dù quản lý trên 56.000ha rừng và đất lâm nghiệp trải dài trên địa bàn nhiều xã, giáp ranh với nhiều huyện trong và ngoài tỉnh, nhưng đồng hành với người dân thông qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông ngày càng bảo vệ có hiệu quả tài nguyên rừng.
Ngày mùa, người dân làng Kon Cheng, xã Măng Cành (huyện Kon Plông) đều kéo nhau ra đồng cắt lúa. Làng vắng tanh, chỉ còn trẻ nhỏ và người già. Không thể trực tiếp gặp các nhóm hộ tham gia bảo vệ rừng, chúng tôi đành phải điện thoại với A Nu (nhóm trưởng) bảo vệ rừng ở làng Kon Cheng để vào thăm rừng.
Diện tích rừng Lâm trường Măng Cành (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông) giao khoán cho dân làng Kon Cheng bảo vệ theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng dù nằm dọc đường giao thông, nhưng rừng vẫn xanh ngút ngàn.
|
A Liên - cán bộ Lâm trường Măng Cành bảo: Bây giờ, người dân nhận khoán ý thức được quyền lợi và trách nhiệm nên không còn để xảy ra việc khai thác gỗ hay phá rừng làm nương rẫy như trước. Người Xê Đăng ở địa phương rất quý rừng. Khi Lâm trường đồng hành với dân, giao khoán rừng cho dân và thực hiện theo đúng cam kết trong việc chi trả dịch vụ môi trường rừng, các nhóm hộ thường thay phiên nhau đi tuần tra bảo vệ rừng và không để xảy ra mất rừng.
Vào sâu trong rừng và quan sát khu rừng, chúng tôi không thấy có những dấu hiệu của việc phá rừng làm nương rẫy hay khai thác gỗ trái phép. Rừng tự nhiên đang hồi sinh.
Ông Phạm Ngọc Phước - Giám đốc Lâm trường Măng Cành cho biết: Lâm trường được Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông giao khoán bảo vệ trên 11.000ha rừng, trong đó giao khoán 5.425ha rừng cho 12 nhóm hộ (501 hộ) dân xã Măng Cành, Đăk Tăng, Đăk Long và Ngọc Tem. Ngoài việc các nhóm hộ thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng, Lâm trường còn phối hợp với UBND các xã tổ chức tuần tra truy quét. Nhờ vậy, tài nguyên rừng không còn bị xâm hại như trước.
Theo ông Vũ Văn Bắc - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông, Công ty có 37.896,41ha rừng được hưởng dịch vụ môi trường rừng. Không tính những năm trước, riêng năm 2016, Công ty giao khoán 20.678,93ha rừng cho 42 nhóm hộ (1.825 hộ dân) bảo vệ với số tiền giải ngân trên 5 tỷ đồng. Được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và được tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về rừng, cộng đồng ngày càng ý thức về việc bảo vệ rừng. Nguồn thu từ tiền dịch vụ môi trường rừng góp phần giúp người dân trang trải và nâng cao đời sống; mua cây, con giống mở rộng sản xuất.
Bên cạnh việc giao khoán rừng theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Công ty còn khoán khai thác 435,8ha rừng thông trồng cho 14 nhóm (khoảng gần 100 lao động) để lấy nhựa. Việc khai thác nhựa thông được thực hiện đúng quy trình, quy phạm theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt. Người dân nhận khai thác nhựa thông kết hợp với việc quản lý bảo vệ rừng có thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng/người/tháng.
Các hộ đồng bào dân tộc phía Bắc có nhiều kinh nghiệm vào đây khai thác nhựa thông đều đã an vui với miền đất mới. Trao đổi với tôi, ông Nông Văn Tuyên (dân tộc Tày, quê ở tỉnh Bắc Giang) tâm sự: Việc khai thác nhựa thông tuy vất vả do vỏ thông dày, nhưng người khai thác không phải cạo vỏ hàng ngày như cây cao su mà có nhiều ngày nghỉ cạo theo quy trình. Khai thác nhựa, trừ hết chi phí, hàng tháng tôi tiết kiệm gửi về gia đình được khoảng 3-4 triệu đồng.
Đồng hành với người dân thực hiện chính sách dịch vụ môi trường rừng và tăng cường bảo vệ rừng, nhất là coi trọng việc tuần tra truy quét tại các điểm nóng, thành lập các chốt chặn tại các tuyến đường giao thông quan trọng… giúp Công ty hạn chế tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, bảo vệ có hiệu quả tài nguyên rừng.
Văn Nhiên